Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Sự Nhầm Lẫn Đáng Yêu

                                                                                       Kính tặng Ông Nội phương xa !
            
                                                 Hoàng hôn trên biển

                    Trên đời này có nhiều những điều lầm lẫn chết người,dẫn đến những hậu quả ko lường trước được, nhưng cũng có sự nhầm thật đáng yêu, nhờ sự nhầm lẫn đó mà mở ra một mối quan hệ tâm giao, có nghĩa có tình, sự trân trọng đầy sự cảm thông chia sẻ........
                     Nó can tội hay nhìn gà hóa cuốc vì  tội nó rất vội vã để chạy sô từ việc này sang việc khác nó chỉ ước ngày có 48 tiếng để mà làm việc hết mình, nhưng rồi nó cũng có lúc được rảnh chút đỉnh thời gian để vô trang nhật ký của riêng nó.........đó là lúc nó bị bệnh ko đi làm nổi, nó lò mò vô mạng tìm tới Quê choa để đọc, nó như được bay lên, bay lên khi đọc những dòng chữ của Bọ, bọ viết rất hay , những dòng ký ức vụn, những bài văn, bài thơ, bài bình luận về thời cuộc nóng bỏng(kể cả lúc văng tục) đã làm cho nó khoái trí và nó cứ coi như vậy  như thói quen  mỗi khi mở mạng từ mấy năm qua, ngoài coi bài của Bọ nó còn hay coi còm của các Fan QC, chính từ sân chơi này nó cũng đã có thêm nhiều bạn bè từ khắp nơi gần xa, nếu chỉ vậy thôi thì cũng ko có gì để nói nhiều cho lắm, song rồi một ngày nó commen cho cô bạn nhỏ mang tên một loài hoa đồng nội, tình cờ có 2 cái tên hao hao giống nhau mà nó ko để ý đã gởi lộn địa chỉ hehe, nó cứ vô tư chờ hồi âm, có hồi âm, nhưng ko phải của cô bé mà là của một Ông Nội cỡ lục tuần nói là: Thưa Cụ......Con năm nay mới lên làm ông Nội được có 7 năm tròn........hihi.........đọc xong nó cười lăn ra vì vỡ lẽ là do bé cái nhầm mà nên cơ sự này............Nó hình dung ra Ông Nội này rất vui vẻ giản dị, có thể tin được,trao qua đổi lại commen thì thấy Ông Nội này hay hay, rồi ngày qua ngày, năm tháng qua năm tháng, Cụ thì già đi........ông Nội thì lớn lên, dần hiểu về nhau thì họ nhận nhau là anh em thân tình như trong gia đình vậy, có chuyện gì vui buồn họ đều kể nhau nghe, thường thì là chuyện gia đình, chuyện công việc & chuyện xã hội v...v....tuy nhiên họ chưa một lần gặp mặt & vả lại ở rất xa nhau nhưng họ vẫn biết về nhau mọi việc làm và cùng chung suy nghĩ với tư tưởng lành mạnh, đó mới là đích thực niềm vui và cần phải cảm ơn cái sự nhầm lẫn ấy !
              Mới đây Ông Nội mới gởi cho nó coi một câu chuyện của thời xa vắng, nếu ai đã từng có những năm tháng cơ cực sẽ thấy câu chuyện này có giá trị ra sao, đây là một hồi ức thực của thế kỷ trước mà tái hiện như mới ngày hôm qua vậy !.....rằng hay thì thật là hay, đọc xong đắng đắng cay cay thế nào ???
                    Mời các bạn coi để cùng suy ngẫm  nhé ! Đây ko phải là ký ức vụn đâu đấy !
          Một điều nữa nó rất vui và tự hào khi biết nhiều về Ông Nội, Ông vốn là một Đạo diễn, một nhà quay phim Tài liệu đại tài vào thập niên1982 của thế kỷ trước , tại hãng phim TLKHTW  đó.Ông chính là tác giả của những tập phim HÀ NỘI CÓ CẦU LONG BIÊN nổi tiếng thời bao cấp nhé,đã từng làm tới 30 bộ phim tài liệu về Đất nước ta đấy .Sự cống hiến lớn lao vô cùng. Mời các bạn coi lại cho biết những năm tháng xa xưa  :                               
                    
                 


                                        Chiếc Cối Giã Gạo   
              Chiếc cối giã gạo ở cổng ngõ nhà tôi có từ bao giờ tôi cũng không rõ. Chỉ biết rằng, khi tôi lớn lên đã thấy nó chềnh ềng nằm ngay lối đi, nơi gian cổng trước khi bước ra đường cái lớn của làng rồi.Thời đó, ở làng tôi chưa có điện, chưa có máy xát gạo. Nên mọi gia đình trung lưu nào mà chả sắm chiếc cối giã gạo như vậy.Sau khi làm xong năm gian nhà gỗ cửa bức bàn, U tôi nhờ phường thợ mộc thửa giúp chiếccần cối khá chắc, lấy từ đoạn gần gốc một cây xoan rừng, trong đám gỗ thừa.Phần bệ đỡ, chỗ người đứng giã, tay vịn bên trên cũng là gỗ tốt được đục đẽo khá chỉn chu,đẹp mắt. Ban đầu chiếc cối giã còn nặng nhưng cũng giúp cho U tôi đỡ vất vả phần nào so với phải giã gạo chày tay hay phải đội gạo đi giã nhờ tận mãi dưới nhà ông vãi tôi, xa tít tận xóm năm, gần rìa làng. Sau này thầy tôi, làm thợ ảnh ngoài Hà nội có mua được cặp ổ bi cũ cuả chiếc bánh ô tô hỏng ở đâu đó mang về lắp vào hai bên tai chỗ gá điểm tỳ đòn bẩy cần cối nên chiếc cối trở thành nổi tiếng khắp làng vì người giã đuợc nhàn, được nhẹ. Nó giải phóng đáng kể sức lao động cuả người nông dân so với những chiếc cối giã gạo khác không có ổ bi trong làng.
              Kể từ sau sự kiện “cải tiến kỹ thuật” mới cuả Thầy tôi, chiếc cối gạo nhà tôi không lúc nào được ngơi nghỉ. Quanh năm suốt tháng, ngày nào cũng vậy, từ tờ mờ sáng cho tới nửa đêm, người trong làng lũ lượt kéo đến xếp hàng xin giã gạo nhờ. U tôi cũng chả hề khó khăn gì. Chỉ nghĩ, nếu ở trong hoàn cảnh cuả họ, nhà không có cối, đằng nào cũng phải đi giã gạo nhờ, thì tội gì không tìm tới chiếc cối tốt cho nhàn cái thân. Được giúp đỡ mọi người, cả nhà tôi hãnh diện lắm. Nhưng cũng chính vì sự dễ dãi như thế đã sinh ra nhiều phiền toái. Trước chỉ mình nhà tôi, hay cùng lắm là thêm một vài nhà nghèo trong xóm. Nay, cả làng. Nên chả mấy lúc phần cối đá dầy thế đã bị thủng, chày mòn vẹt. Chỗ đạp chân cũng mòn võm xuống như hình chiếc gàu sòng. Nặng nhất là thời gian và cuờng độ làm việc quá tải làm vòng bi xộc xệch, bị kẹt rồi vỡ cả ổ bên trong lẫn cả vành bên ngoài. Cho dù việc chăm chút bảo dưỡng dầu mỡ định kỳ là luôn được Thầy tôi mỗi khi về nghỉ cuối tuần, kiểm tra và bôi dầu mỡ liên tục. Mỗi lần thêm việc vào người như thế Thầy tôi vừa làm vừa lầm rầm:
- cuả bền tại nguời … tại nguời …
U tôi tiếc của lắm nhưng do nghe điệp khúc ấy nhiều lần nên cũng bực, có khi quặc lại:
- thế ông bảo tôi phải làm gì ? Suốt ngày ngồi ôm giữ cối chắc ? hay mỗi lần giã gạo nhà mình xong thì khiêng cần cối cất kín vào buồng rồi khoá lại không cho ai tới giã nhờ nữa ?
              Thầy tôi hiền lành lắm. Nên mỗi khi thấy U tôi chớm nổi đoá là lại thôi ngay, không tranh luận hay trả miếng bao giờ. Lại hì hụi với công việc mà không hề ta thán gì nữa. Từ đó, dần dần chiếc cối được đại tu gia cố lại khá nhiều. Phần ổ bi thì thay mới toàn bộ, bao lót dạ mềm đỡ phía duới. Bên trên lại nêm dăm sắt găm chắc vành bi, cho mỗi khi có ai vô ý đạp mạnh chân quá, cẩn đạp kịch đáy hố, thì không bị văng ra khỏi trụ đỡ làm hư hại ổ bi. Mỏ chày, nơi cọ sát trực tiếp với gạo thì được đem tới lò rèn bịt đai sắt khá dày xung quanh, bên trong còn được găm cứng bởi nhiều dăm thép dầy hơn cả dăm cối rồi đổ xi kết chặt cứng. Chiếc cối thủng thì được đổ bê tông trộn với đá cuội, cát vàng và xi măng mác cao dầy cộp lót đáy. Thầy tôi bỏ nhiều công sức vào việc tu bổ này lắm. Những kỳ nghỉ phép năm, ngoài thú bắc đài galen ông chỉ chăm cho cối giã gạo. Suốt ngày che che đậy đậy, vẩy nước bảo dưỡng canh giữ cho tới khi hoàn hảo mới thôi.Và từ đó ngày qua ngày chiếc cối lại cần mẫn, lại đắc dụng phục dịch cho mọi người trong làng tới giã nhờ. Nếu câu chuyện chiếc cối giã gạo nhà tôi chỉ có vậy thì cũng chẳng có gì khiến tôi phải bận tâm. Thực ra thân phận chiếc cối cũng thăng trầm lận đận như chính cuộc sống cuả Thầy U tôi, chủ nhân cuả nó vậy.
Đó là cái năm như những người tới giã gạo nhờ có lần kể lại với tôi: “Lúc đó cậu còn bé lắm, tuy đã chập chững biết đi nhưng vẫn chưa rời vú mẹ. Nhà cậu bỗng dưng bị qui là địa chủ. Bao nhiêu cuả cải đồ đạc trong nhà bị đem ra chia chác phân tán hết cho đám dân nghèo chúng tôi. Người vớ bở thì được con trâu, được sào ruộng. Người thì được chiếc sập gụ, chiếc tủ chè khảm trai hay bộ ghế ngựa, gỗ lim uống nước. Chúng tôi, bần cố nông nghèo rớt mùng tơi nhưng do hôm đấu tố U cậu, tôi không hăng hái như những người khác nên chỉ được chia chiếc chum tương, vài chục bát chiết yêu và chiếc mâm đồng cũ. Còn cậu YB hăng hơn một chút thì được chia nốt bộ câu đối và chiếc cối giã gạo này. Nhà ngói năm gian trống trơn thì nhà ĐB nó dọn tới ở. Còn cả nhà cậu thì bị Đội họ đuổi ra vườn sống nheo nhóc trong chiếc lều cất tạm bợ xiêu vẹo ngoài vườn hoang sau nhà. Chả có gường chiếu gì sất, chẳng có thóc gạo gì nên U và chị cậu phải ra đồng mót khoai lang, sống qua ngày. Cũng may năm đó, khoai, lúa được mùa nên cũng đỡ. Có lần chị cậu còn bị Đội tới hành tỏi chuyện “sao khoai mót mà to thế ?”. Chả là căn “nhà bẹp” nhà cậu lúc đó, ngoài cửa liếp có vạch một vòng vôi lớn, ký hiệu chung để không ai được lai vãng giao du với gia đinh địa chủ. Hồi đó Đội họ ác lắm. Chúng tôi ai cũng sợ. Người nào hảo tâm có muốn giúp nhà cậu cũng không dám ra mặt. Như tôi đi dỡ khoai, hay cắt lúa, mỗi khi thấy bóng chị và U cậu đằng xa đang đi tới thì nhét vội lúa, khoai dưới đám dạ hay dưới chỗ đất mới luống khoai vừa dỡ xong và lỉnh đi chỗ khác ngay để người mót đi sau có chút mà mang về chống đói. Chứ có ai dám cả gan ra mặt trước Đội bao giờ. Tai mắt cuả Đội nhan nhản khắp nơi ai dám coi thường ….”
            Sau này lớn khôn hơn, tôi mạnh dạn hỏi U tôi nhiều lần những chuyện không vui đó thì U tôi chỉ khóc ròng mà không nói, hoặc tiện đâu nhắc lại chút ít, không có hệ thống và đầy đủ bao giờ... Cho tới khi U tôi đã già, ốm nặng sắp mất thì những chi tiết thu luợm được qua nhiều người có liên hệ mới làm sáng tỏ phần nào câu chuyện bi kịch một thời của gia đình tôi.
***
          U tôi là con gái lớn, sinh trưởng trong một gia đình nhà có năm con, nhà rất nghèo. Với vóc dáng cao ráo và khuôn mặt đầy đặn khá nét nên đã có lần hồi còn thanh xuân bà được các cụ trong làng chọn vào chân “Tướng bà” trong bàn Cờ người Hội Làng rằm tháng hai diễn ra hàng năm. Nhưng vì nhà quá nghèo, tục lệ xưa lại lạc hậu trọng nam khinh nữ nên U tôi không được đi học dù một ngày. Vừa tuổi trăng tròn, U tôi đuợc gả chồng. Khi về nhà chồng sống chung với Thầy tôi, các cụ vẫn chưa có được ngôi nhà riêng. Vẫn sống chung với ông bà nội và các chú tôi. Thầy tôi, người thợ ảnh nổi tiếng trong khắp cả nước với biệt tài chụp chân dung và chấm ảnh rất điêu luyện. Được các bạn trong làng nghề lúc bấy giờ khen tặng danh hiệu truyền miệng: “nhất Bắc Kỳ, nhì Đông Dưong”. Ông rời làng ra tỉnh học và làm ảnh ở hiệu ảnh Phúc Lai nổi tiếng từ cái năm cụ Phan Chu Trinh mất, lúc ấy mới 13 tuổi. Nhà neo đơn, lại nghèo nên ông nội tôi chỉ cho Thầy tôi ăn học gọi là đủ cho đọc thông viết thạo thì dừng. Ông tôi quan niệm: “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, cần quái gì nhiều chữ. Cứ có nghề tốt là tất có miếng ăn. Ông nội tôi thuờng khuyên Thầy tôi như thế.
              Mang tiếng là thợ giỏi lương cao nhưng Thầy tôi cả đời không biết mặt mũi đồng tiền nó như thế nào. Vì ngay cả sau khi nên gia thất rồi, lương hàng tháng người chủ hiệu ảnh (cụ Phúc lai) lại thanh toán tiền thù lao với ông nội tôi chứ Thầy tôi thì tựa như chàng thiên lôi “chỉ đâu đánh đấy” mà thôi.U tôi sinh người con trai đầu lòng, đặt tên Xưng. Nhưng không nuôi được. Anh tôi mất vì bệnh đậu mùa. Năm Nhật thôn tính Trung hoa thì sinh tiếp con gái, chị Quyền tôi. Năm cụ Hồ về Pắc-bó Cao Bằng thì sinh anh Uy tôi. Tới năm đó thì ông nội tôi trước khi mất mới mua cho Thầy U tôi căn nhà lợp rạ năm gian đối diện phía bên kia sát ngôi đình Đụn giữa làng khoảng dăm chục mét. Tiếp đó, cứ hai năm một kỳ sinh nở, tới thời điểm Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương thì mẹ tôi sinh thêm được hai chị gái nữa, chị Bích và chị Hạnh. Cả hai đều bị dịch bệnh đang hoành hành ở quê thời bấy giờ. Năm Pháp chuẩn bị tấn công qui mô lớn lên Việt Bắc thì U tôi đẻ sinh đôi hai con trai, anh Thịnh và anh Vuợng. Cũng thời gian ấy Thầy tôi bị Pháp bắt giam vào Hoả lò hơn một tháng vì có tham gia một tổ chức Việt Minh hoạt động bí mật trong nội thành.Do thiếu bằng chứng, Thầy tôi đuợc thả nhưng bị mất việc làm, bị trục xuất về làng cày ruộng tới hơn một năm. Sau đó có ông chủ tiệm hình mang tên Central-Photo tương đối có danh tiếng ở góc đường Tràng Thi - Phủ Doãn Hà nội do mến tài đa về tận làng Lai xá nơi Thầy tôi cày ruộng vời bằng được ông ra tỉnh với mức lương trả khá cao, ba mươi nhăm vạn đồng, tiền Đông Dương một tháng *.
                  Lại nói tới thu nhập chi tiêu trong nhà, kể từ khi ông bà nội tôi mất, thì mọi quản lý tiền bạc và chi tiêu trong nhà được chuyển sang một tay U tôi. Làng Lai xá quê tôi xưa ngoài nghề nông ra có thêm hai nghề phụ rất nổi tiếng đó là nghề làm Ảnh và nghề Canh cửi. Đàn ông trai tráng thì hầu như ai cũng biết làm ảnh. Còn Đàn bà con gái thì ai cũng biết nghề dựt (dệt) cửi. Gia đình tôi có đầy đủ cả ba nghề cuả làng. Thầy tôi, đi đến tận cùng của các bí quyết trong nghề ảnh. Nhưng cày ruộng thì cũng chả thua kém bất kỳ một lão nông chi điền nào. U tôi và chị Quyền tôi thì vừa làm ruộng vừa dựt cửi. Nhờ sự tần tảo chắt chiu cuả các bậc sinh thành mà gia cảnh nhà tôi khấm khá dần lên. Từ một mẫu mốt ruộng ông nội tôi để lại, U tôi mua thêm đuợc gần hai mẫu nữa cuả mấy gia đình trong làng bán ruộng, bỏ hẳn quê ra tỉnh thành sinh sống. Căn nhà mái lợp rạ năm gian được thay bằng mái lá Gồi rồi tiến dần lên lợp ngói Hưng Ký. Tường nhà thì xây lại với tường gạch bao quanh, cột tròn với cửa gỗ bức bàn, lát nền nhà, lát hè, lát sân, xây bể nước, xây gian bếp, chuồng trâu, chuồng lợn, chuồng xí … tương đối nói chung đều bằng gạch cả. Đó là mồ hôi nước mắt đầu tắt mặt tối quanh năm của Thầy U tôi, cuả chị tôi. Nhưng đó lại là miếng mồi béo bở cho Đội cải cách ruộng đất (CCRĐ) nhòm ngó và qui thành địa chủ mà cướp đi công sức tích luỹ, gây dựng hơn nửa đời người.
                Thầy tôi chỉ có hai người em trai. Người em thứ ba là cùng cha khác mẹ, chú Ba Quảng. Khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, chú Quảng thoát ly hẳn gia đình tham gia du kích kháng chiến chống Pháp. Chú Ba chưa xây dựng gia đinh nên Thầy U tôi là cơ sở che dấu và tiếp tế đắc lực cho chú và đồng đội. Làng tôi là cửa ngõ phía Tây, sát Hà Nội, lại nằm trên trục đường Quốc lộ 11A (đường 32) đi Sơn Tây. Nên làng tôi nằm trong vòng kiểm soát gắt gao của Bốt Phùng khét tiếng với một hệ thống lô cốt vệ tinh được lập ngay phía tây bắc của làng gần đường Quốc lộ.Khi cuộc KCCP cuả dân tộc đã qua giai đoạn phòng ngự, chuyển sang cầm cự. Thì U tôi sinh thêm mụn con gái nữa, chị Độ tôi, sinh năm Kỷ Sửu. Lúc chi Độ tôi lên hai. Vào một đêm định mệnh. Cả nhà đang ngon giấc, bỗng nhiên có tiếng đạp cửa thình thình, xì xồ tiếng Tây quát nạt đòi mở cửa. Nhà tinh đàn bà con gái và trẻ con. Thầy tôi đi làm vắng, anh Uy tôi đang học trường Bưởi ngoài Hà nội. Anh Vượng tôi đang sống ở bên nhà bà mẹ nuôi **. Chị Quyền tôi dệt cửi và ngủ luôn trong buồng. Trên chiếc phản gỗ mít cạnh gian giữa nhà ngoài chỉ còn U tôi ôm anh Thịnh, năm tuổi và chị Độ, hai tuổi ngủ. Không ai dám ra mở cửa trong hoàn cảnh ấy. Tiếng đạp chân càng dữ, tiếng trẻ nhỏ sợ khóc ré xé màn đem đen. Cánh cửa bức bàn then gỗ nhà tôi chắc chắn quá, khiến những chiếc giầy đinh Bốt-đờ-sô Pháp nổi tiếng thế cũng đành bất lực. Tức qúa, một tên lính Pháp trong nhóm lính càn đã xả cả tràng tiểu liên mười một phát liền vào chiếc cánh gỗ, nơi phát ra tiếng trẻ khóc hoảng loạn ấy. Thần chết đã cướp đi ngay mạng sống cuả người anh trai năm tuổi cuả tôi với bảy viên đạn găm nát ngực trái phía tim. U tôi và chị gái tôi chia nhau lĩnh nốt bốn viên còn lại. Cụ bị trọng thương vỡ đầu gối, nát một ngón chân cái và một ngón tay cái. Còn chị Độ tôi, nhẹ hơn cả, thì đạn chỉ xuyên qua phần mềm gần cổ tay, máu tuôn lênh láng.Sau thảm hoạ bất ngờ ấy, U tôi phải bỏ ruộng, bỏ nhà, bỏ khung cửi ra nhà thương Phủ Doãn Hà nội chữa trị tới hơn một năm mới lành. Lúc đó nhà thương không có chỗ nằm cho bệnh nhân điều trị dài ngày nên Thầy tôi phải thuê một căn hộ nhà ngoại trú tại phố Gia Ngư. Và một anh trai nữa trên tôi (anh Hùng) được ra đời trong thời gian chữa bệnh này. Cùng lúc đó, thêm cái tang nữa của gia đình là tin chú Ba Quảng nhà tôi đã hy sinh trong chiến dịch Hòa Bình – 1952 (tới nay vẫn chưa tìm được hài cốt). Nhà cửa ruộng vườn tại quê là phải nhờ dì Sửu tôi và bà con xóm giềng canh tác, trông nom giúp. Ngoài Hà nội, nhờ lương thầy tôi tương đối khá. Cao tới gần ba cây vàng mỗi tháng nên cuộc sống mới cũng chẳng hề eo hẹp hay thiếu thốn gì. Vụ việc bắn ẩu xẩy ra ở nhà tôi trước đó là do có chỉ điểm báo chú Ba tôi đêm đó sẽ về liên lạc nhận tiếp tế. Song do có sự thay đổi đột xuất, chú tôi phải đi ra vùng tự do nhận nhiệm vụ mới, nên toán lính Pháp phục kích bắt hụt. Cay cú, chúng bắn bừa vào U và anh chị tôi để trả thù vậy.
                     Hồi đó, với sự giúp đỡ tận tình cuả người chủ, Thầy tôi có nhờ cậy luật sư giỏi đâm đơn kiện tên lính Pháp tội cố sát bắn chết người vô tội lên bộ chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp đặt tại Hà Nội. Nhưng do gia đinh tôi nằm trong sổ đen của cơ quan Phòng Nhì nên kẻ giết nguời chỉ bị xử nhẹ, thuyên chuyển đi nơi khác và U tôi chỉ hơn những bệnh nhân khác là được điều trị miễn phí mà thôi. Vào dịp tết năm ấy, mẹ tôi được dì tôi và bà con có được hưởng hoa lợi trên ba mẫu ruộng do U tôi để lại, ra Hà nội thăm và biếu một nồi gạo nếp cái hoa vàng để gói bánh chưng, và một nồi gạo Tám thơm *** để ăn tết. U tôi không muốn nhận nhưng mọi nguời năn nỉ cứ nói mãi, nên đanh chiều lòng nhận qùa để bà con vui vẻ ra về. Ngờ đâu, hai nồi gạo oan nghiệt ấy mấy năm sau, trong con lốc cuồng nộ của CCRĐ, khi làng tôi bị hụt không nộp đủ chỉ tiêu địa chủ do trên giao nên vào đợt cuối, U tôi bị đưa ra đấu tố. Hai nồi gạo ngon kia được đưa ra làm bằng chứng duy nhất cho lời tố: “có hiện tượng phát canh thu tô, có bóc lột !”. Mà không ai khác, chính những người đem gạo từ quê ra Hà nội mấy năm trước biếu trong đó có người dì ruột của tôi được Đội tới bắt rễ, sâu chuỗi, phát động mớm cung đứng ra xỉa xói, chửi bới, lu loa, gọi U tôi là con nọ con kia và là căn cứ cho cái án miệng, với biểu quyết giơ tay đấu tố ở giữa sân đình. Cấu thành bản án hợp pháp cho màn cuớp bóc công khai cho “các ông, các bà” bần cố nông tới tẩu tán toàn bộ tài sản lớn nhỏ cuả gia đình tôi, công sức lao động cần cù cuả Thầy U tôi quá nửa đời người mới gom góp chắt chiu được. Chính vì cái màn bắt buộc “em tố chị” ấy mà sau này khi U tôi ốm nằm liệt giường, sắp tới cõi, thì dì Sửu tôi ân hận lắm. Nhiều khi dì bỏ cả việc nhà mà lên chăm U tôi. Như là sự ăn năn muộn màng nhằm chuộc lại phần nào những lỗi lầm mà mình đã gây ra cho người chị ruột thân yêu.
                   Khi sửa sai, gia đình tôi được hạ thành phần từ địa chủ xuống trung nông. Được tuyên bố trả lại toàn bộ tài sản. Nhưng than ôi! kết cục chỉ còn lại mỗi cái xác nhà trống rỗng, chiếc chum tương sứt miệng, chiếc cối đá thủng đáy và chiếc cần cối giã gạo nứt toác vì dầu mưa dãi nắng. Đến lúc đó, mọi người mới lờ mờ nhận ra, có những người đói khát do không may hay do loa toan kém chứ không hề bị bất cứ ai áp bức, bóc lột gì. Bằng chứng là khi đã hữu sản, đã làm chủ nhiều tài sản qúi giá cướp được của địa chủ họ cũng không biết sử dụng chúng như thế nào cho phải cho đúng việc. Họ phí phạn, bán xới, tiêu tán dần....
                     Như đôi câu đối nhà tôi: “Thiên hạ thái bình - Nhân Tâm an lạc” sơn son thếp vàng đẹp thế, mà bị đem làm cầu chuồng hôi. Lúc phải trả lại, họ cũng tháo ra ngay, cho xuống ao sau đình cọ rửa cẩn thận. Nhà YB, hồn nhiên khoe: - “Nhà cháu đã cọ rửa sạch sẽ lắm rồi. Thú thật với hai bác, chúng cháu đâu có biết những chữ nho nhe này nó nói gì ? Cứ để vạ để vật chả biết dùng vào việc gì ? Lúc làm lại cái cầu tiêu, thấy nó vừa khít nên dùng tạm làm chỗ ngồi cầu. Cũng may mới đem sử dụng nên sơn phết còn tươm chán. Trông xa có lẽ chả ai thấy nó hư hại ở điểm nào !” Thầy tôi nhìn đôi câu đối yêu qúi, trước cải cách vẫn được treo một cách trang trọng hai bên cột tròn, gian thờ chính giữa nhà, mà chết lặng không nói được nên lời. Hồi lâu sau mới cố nén cảm súc mà nhỏ nhẹ: - “Vô phép, cám ơn cậu! Thôi nhà cậu còn đang thiếu thì cứ giữ lấy mà dùng cũng được. Dạo này tôi không còn hứng thú chơi câu đối như trước nữa”.Cho đến mãi sau này, lúc lớn khôn tôi mới hiểu. Những chỗ thờ phượng cha mẹ, ông bà ông vải đã khuất thì những gì đa bị uế tạp, dù ít nhiều thế nào cũng không bao giờ còn xứng đáng để trang hoàng nơi chốn linh thiêng được nữa ! Nhận chiếc cần cối giã gạo nứt nẻ trả lại từ người vốn là“cốt cán”cũ, U tôi cả mừng, sang ngay chợ Đăm tìm mua bằng được hơn lạng Sơn ta, đem về nhào với mùn cưa, chét lại. Lúc đó tôi mới lên bốn. Còn quá bé nên chẳng nhớ được điều gì. Chỉ mãi không quên được hình ảnh cái bàn tay dị dạng của U tôi, nơi có ngón tay cái mất móng rách nát đã thành sẹo vì vết thương Tây bắn năm nào, nhẫn nại vét sơn ta trong chiếc gáo dừa cũ, chét cho thật kín vào những vết toác lớn, toác nhỏ trên chiếc cần cối để đem dùng lại.
             Đó là bảo vật hiếm hoi đáng giá nhất trong muôn ngàn vật dụng còn sót lại sau trận “quân ta đánh quân mình” dạo ấy. Tôi là con út. Sinh ra vào đúng năm hoà bình trở lại. Năm đó U tôi đã ở tuổi bốn mốt. Không biết nghe ai nói, tuổi đó mà sinh con là không tốt vì đứa trẻ tương lai sẽ ương buớng khó nuôi. Nên U tôi tính đem cho cửa khác. Nhưng Thầy tôi lại gàn “đã đẻ ra rồi thì cố mà nuôi” vả lại mười bận sinh nay đọng lại có sáu mống. Cũng chẳng quá nhiều so với thời đó nên tôi được ở lại để hưởng chọn, để chứng kiến tất cả những nhọc nhằn cuả gia đình chúng tôi. Nhà người ta thì “giàu con út” nhưng nhà tôi thì qủa đúng là “khó con út” thật.
***
                   Ngay từ lúc lên Năm cho tới truớc lúc đi thoát ly, tôi đã phải đảm nhận vai trò đi chăn chú trâu kềnh của Hợp tác xã với đôi sừng dài to như nửa cái nia sẩy thóc ấy. Đó là con trâu cũ của nhà tôi mua ở chợ Nghệ - Hà Đông từ truớc CCRĐ. Khi đuợc sửa sai xuống thành phần, U tôi được vận động tham gia ngay vào tổ đổi công rồi tổ HTX nông nghiệp ở Làng. Được cán bộ, tinh là anh em bà con gần trong họ tới vận động, hứa hẹn và vẽ ra cả một viễn cảnh sáng sủa chế độ mới. Của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp.
Dân có ruộng dập dìu hợp tác
Lúa muợt đồng ấm áp làng quê
Chiêm mùa cờ đỏ ven đê
Sớm khuya tiếng trống đi về trong thôn
………
                     Thơ mộng quá ! Đẹp quá ! U tôi đem toàn bộ ruộng và con trâu, “đầu cơ nghiệp” ấy vào HTX. Như vậy, mặc dù vẫn là thửa ruộng ấy, con trâu ấy hôm qua còn của riêng nhà tôi. Hôm nay đã là tài sản chung cuả cả làng rồi. Chiếc cối giã gạo cũng vậy, không phải tài sản chung cuả làng, nhưng ai muốn cũng đều có thể mang gạo tới giã. Không ngoại trừ thân hay sơ. Tốt hay xấu. Chỉ cần có một lời nhắn xí chỗ trước là có thể thoải mái sử dụng. Có khi U tôi còn phải làm trọng tài bất đắc di phân xử cho những tranh chấp quyết liệt. Nhất là những dịp năm hết tết đến, ai cũng muốn giã trước một khi nồi luộc bánh mượn được rồi mà gạo nếp thì vẫn là thứ gạo xay. Có những người đã đăng ký mồm, xong do bận việc đột xuất không kịp báo lại, khiến cối để không. Gặp người đứt bữa, muốn có gạo dùng ngay, tới tranh thủ giã nhờ. Gạo còn chưa giã xong, người có lời trước mang gạo tới đòi chỗ. Lời qua tiếng lại, không thông cảm cho nhau thế là to chuyện. U tôi đến là khổ sở vì những chuyện đại loại như thế. Có khi ơn thì chưa tới mà oán thì đã tới đầy tai rồi. Với vị trí trung tâm lại kề sát tường ngôi đình Đụn to lớn của làng, nhà tôi còn là nơi “buộc trâu”gần như đương nhiên phải thế của bất kỳ các cuộc hội họp liên hoan ăn uống lớn nhỏ nào của địa phương. Chỉ vì có nhà ngói năm gian, lại có sân gạch rộng. Cánh cửa bức bàn phẳng phiu, nhấc ra ghép từng đôi lại đặt thẳng xuống sân gạch là trở thành những chiếc mâm cơ động thật tiện lợi vô cùng. Cứ tha hồ mà bày cỗ to, cỗ nhỏ mà đánh chén. Các đơn vị bộ đội kể từ các đơn vị từng đánh trận Điện Biên năm xưa ghé về đóng quân ở làng, cũng đều nhắm chiếc sân gạch rộng rãi nhà tôi để làm nơi đặt bếp nuôi quân. “Buộc trâu đâu thì nát rào đấy”Nhà tôi thực sự trở thành ngôi nhà công cộng không ngoa chút nào vì lúc nào cũng tấp nập đầy người lui tới rầm rịch suốt ngày đêm. Đến như những con chó, đảm đương việc giữ nhà, dù thuộc nòi giống dữ dằn đến đâu, khi về đến tay nhà tôi nuôi cũng thành “ba phải”cả.Vì mọi người thân sơ, tốt xấu, hiền ác gì, ai tới nhà cũng đều được vẫy đuôi chào đón nồng nhiệt như nhau….Căn nhà riêng của chúng tôi, thời đó là như vậy. Nó nằm ngoài quan niệm tự do cá nhân hay ý muốn của tất cả mọi thành viên trong gia đình. Nếu áp dụng những quan niệm mới cuả ngày hôm nay để soi xét thì không ai lại đi tự nguyện chấp nhận một thứ mất tự do lớn đến mức như vậy. Mặc dù chịu nhẫn nhịn như thế nhưng do ít chữ nghĩa, ngay thẳng và qúa thật mà không biết xu phụ ai… khiến cũng có kẻ ghen ghét. Nên U tôi và cả gia đình còn bị nhiều oan khiên nữa trong cuộc sống. Cho dù chúng tôi có cầu thị đến đâu. Anh Uy tôi, học sinh ưu tú trường Bưởi. Một chàng thanh niên hừng hực đầy lý tưởng. Lớp thanh niên thấm nhuần sâu sắc tư tưởng nhân văn tiến bộ của nền văn hoá Pháp. Pha chút lãng mạn cuả “Ruồi Trâu”. Chút lý tưởng cộng sản như trong “Thép đã tôi…” và cả chút phiêu lưu mạo hiểm như Cheguevara nữa, nên khi vừa tốt nghiệp trung học đạt loại giỏi xong đã quyết định không theo con đường học vấn mà về làng quê lao động và tình nguyện xung phong đi Bộ đội đợt nghĩa vụ quân sự đầu tiên sau hoà bình vào năm 1959 lúc vừa tròn mười tám tuổi.
                    Ngay sau khi nhập ngũ ít lâu, anh tôi được cử đi học truờng 400 - Trường si quan Pháo binh ở Sơn Tây, được kết nạp Đảng. Năm 1962, tốt nghiệp loại ưu và được phong ngay quân hàm thiếu uý, được giữ lại giảng dạy tại trường. Khi thành lập trường 300 - Trường sỹ quan Phòng không cũng ở Sơn Tây thì anh tôi là lớp giảng viên đầu tiên có công đào tạo lên bao lớp sỹ quan cao xạ xuất sắc cho Quân đội Nhân dân Việt Nam trong khi bản thân cái án “lý lịch gia đình không cơ bản” đã hạn chế sự rất nhiều sự tiến thân cuả anh tôi. Nó luôn đặt anh tôi vào tình trạng cần phải được“thử thách nhiều hơn nữa” lòng trung thành với Đảng, với chế độ ! Cho tới khi anh tôi đã “hiến thân chọn vẹn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc” nơi chiến trường khói lửa mà cũng chưa kịp cưới vợ. Chưa kịp sinh cho Thầy U tôi đứa cháu nội đích tôn, như ý nguyện của cha mẹ già… mà cái án “lý lịch không cơ bản” oan nghiệt đó vẫn đeo đẳng anh tôi xuống tận mãi dưới mồ. Anh Vượng tôi, em sinh đôi với người anh bị Tây bắn chết thuở nào, một kiện tướng về bắn súng đạn thật với cả ba lần thi bắn đạn thật toàn Huyện đều đạt giải nhất với điểm tối đa “ba mươi điểm trên ba viên” súng trường cả cầm tay và có bệ tỳ. Theo tiếng gọi cuả Tổ quốc, khi anh đang là học sinh giỏi cuả trường cấp III Đan Phượng, nơi sau này đặt bức tượng đồng nhà thơ xứ Đoài nổi tiếng, Quang Dũng. Cũng gác bút nghiên, xung phong bằng được đi bộ đội vào mùa hè 1965. Được biên chế vào tiểu đoàn pháo cao xạ một trăm bảo vệ thành phố Vinh và sau đó về bảo vệ thành phố cảng Hải Phòng. Là Đảng viên CS. Nhưng cái chuyện vào đảng cuả anh Vượng tôi cũng có nhiều chông gai lắm vì trong bản trích ngang suốt thời gian dài của Đảng bộ địa phương gửi tới đơn vị luôn có dòng chữ “Gia đình bị qui là địa chủ, đã được xuống thành phần nhưng luôn thâm thù, bất mãn và có những biểu hiện ngấm ngầm chống lại chế độ …”. Song do anh tôi kiên trì phấn đấu, lại lập được nhiều chiến công nên địa phươong cũng không thể cản mãi được, trong khi anh Uy tôi cùng một nguồn gốc lý lịch như thế đã đảng viên từ lâu rồi. Thất bại vụ không cản đuợc anh tôi vào đảng, cán bộ địa phương lại càng cay cú và đến kỳ xét lý lịch để hoàn chỉnh hồ sơ tuyên dương Anh Hùng Quân Đội đợt 1967- 1968 cuả anh Vượng tôi thì họ đã thành công. Hồ sơ của anh tôi bị dìm chìm nghỉm không thương tiếc, trong chính luỹ tre thân yêu, quê tôi.
           Trên tôi còn có chị Độ, sau khi tốt nghiệp trung cấp kỹ thuật ra trường, sau một thời gian ngắn cũng vào phục vụ trong Quân đội. Nhưng trớ trêu thay, trong hồ sơ trích ngang thi vào Đại học Tổng Hợp năm 1972 của tôi lại có dòng chữ “Gia đình chưa có ai tham gia Chống Mỹ Cứu Nước…, để lại đi bộ đội”.Với dòng chữ ngắn gọn có thế, tôi không bao giờ còn nhận đuợc giấy gọi đi học đại học nữa. Mặc dù tôi đã qua kỳ thi tuyển. Lại còn thừa điểm chuẩn để vào đại học Tổng hợp Hà nội.
                   Tất cả những chuyện đó đều được người trong làng tới giã gạo nhờ rỉ rả nhỏ to. Chính xác tới đâu tôi cũng chưa có điều kiện kiểm chứng hết. Dù sao đó cũng hiện thực của một thời.Trong đó chính tôi chả là một nhân vật, nhân chứng sống trong câu chuyện đó rồi.Thấm thoát Thầy U tôi đã trở thành người thiên cổ từ lâu. Tôi cũng lưu lạc tha hương gầnbằng thời gian nàng Kiều cuả cụ Nguyễn Du phiêu bạt rồi. Không biết số phận long đong cuả chiếc cối giã gạo xưa nhà tôi bây giờ ra sao? Tôi thương nó quá. Không hề nhận được tin nhau, không biết nó có còn chút gì hay không để cùng tôi trò chuyện. Những mẩu  buồn vui, những kỷ niệm đáng nhớ cuả cuộc đời.       

                  

                                                                                   Nước Đức vào một ngày chớm Đông, 18.11.2005
                                                                                                                 Phạm Cường.

* tương đương khoảng gần ba cây vàng mười
** do đẻ sinh đôi, không đủ sữa, U tôi phải thuê nguời khác nuôi anh Vượng từ lúc còn nhỏ
*** một nồi bằng khoảng 14 - 15kg


______________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét