Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Đọc Ký Ức Vụn


   
  

   Đọc Ký Ức VụnTác giả đi dọc qua thành phố ra tận bờ sông Hồng trong buổi tối mưa gió mang  tác phẩm mới in xong đến tặng bạn hữu, mà vừa đề tặng vừa nhấm nhẳn mắng người ta.  Tôi viết là viết phục vụ đồng bào đồng chí của tôi, những người lao động quê mùa chân lấm tay bùn đọc chơi cho vui, chứ sức mấy mà mong đám thị thành văn vẻ các ông để mắt, không dám đâu.  Đã bực bội không dưng như vậy thì thèm vào, nghĩ bụng thế.  Vả lại, khẩu văn blog, – theo như lời của chính tác giả nói về cuốn sách -  nó là cái gì vậy ?

  Năm trước nghe thiên hạ kháo nhau loạt bài tả chân do Nguyễn Quang Lập viết và tải trên mạng, tôi nhờ bạn in ra giấy để đọc. Đọc xong, cười rũ, giống như hồi xưa ngang qua Khu Tư lính tráng cười bò ra với nhau nghe kể chuyện bọ. Khẩu văn blog là thế ? Và cuốn  Ký Ức Vụn là tập hợp của những bài tả chân ấy ?
 Để cuốn sách đầu giường, mấy hôm sau mới giở trang đầu. Đọc chơi cho vui, tác giả đã bảo vậy, thì đọc cho vui.
Bất thường ngay từ trang đầu. Viết lách nhẹ không, như chơi,  mà cuốn ngay lập tức. Hết truyện Con Ăn Ruồi đọc sang truyện Thằng Hai Đầu Gối, rồi Thằng Sứt Môi, rồi Ký Ức Năm Hào, rồi Thắng Á, Chị Du…
  Truyện có hay không ? Hay như thế nào ?
  Nhớ có lần bàn luận với nhau ở báo điện tử Vietimes về cuốn Tuổi 20 Yêu Dấu của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, khi được hỏi rằng vì sao mà thích, vì sao mà thấy tiểu thuyết đó hay, tôi không thể giải thích, bởi tôi không biết. Cái con người độc giả trong tôi chỉ có một ” tiêu chí ” để tự mình định giá với mình về một tác phẩm văn học, ấy là : đọc một mạch hết cuốn sách, hoặc miễn cưỡng đọc cố,  hoặc chỉ trang đầu, thậm chí dòng đầu đã phải đầu hàng.  Ông bạn ở Vietimes vặn ngay :  truyện chưởng vẫn thường được người ta đọc hết một lèo không buông sách, vậy Kim Dung là nhà văn lớn ?
    Vặn vẹo như thế còn biết nói sao. Tuy nhiên với truyện chưởng thì tôi vẫn vậy thôi, đo lường theo cái cách đó. Không đọc được hết một trang, và vì thế, với tôi, truyện của Kim Dung không hay. Tất nhiên là với tôi thôi.
  Khi đã là tác phẩm hay thì bất  kể là của ta của tây của tàu, bất kể cổ kim, bất kể tên tuổi, bất kể thể loại, đề tài, cách viết, có khi cả không cần hiểu kỹ lưỡng kỳ cùng nội dung, cốt truyện của cái truyện ấy  nó là thế nào, hay là hay, vậy thôi, miễn bình luận.  Cái hay của tác phẩm văn học là hoàn toàn vô thức và nói chung độc giả cũng vô thức mà cảm được cái hay ấy.
    Tôi nằm đọc Ký Ức Vụn tới nửa đêm, thấy khuya quá rồi thì tắt đèn nhắm mắt. Nhưng không thể ngủ. Lại phải bật đèn, mở sách ra, đọc tiếp. Hơn 290 trang kìn kìn chữ, đọc một hơi tới sáng. Cả ngày hôm sau chỉ nghĩ về cuốn sách ấy.
  Ký Ức Vụn, nếu là trong một mâm nhậu vài ba thằng đọc to lên với nhau chắc phải phát sặc lên vì cười, và cả tức nữa, đến muốn đập chén chửi vang. Nhưng một mình nằm đọc thì chẳng thấy buồn cười. Chẳng thấy tục. Chẳng thấy bỗ bã.  Đây là một tác phẩm sâu nặng buồn vui. Buồn nhiều hơn vui. Những mảnh ký ức khía vào tim người đọc. Càng khía sâu hơn bởi  cách viết -   tôi không biết gọi sao cho đúng cái cách viết ấy : thảo khấu, cười cợt, báng bổ, làm loạn, trêu ngươi  ? – khiến chữ nghĩa tương phản với nội dung. Đấy là cách viết của sự ” trên tài “. Một tác phẩm bi kịch đời người mà chữ nghĩa lại gây cười thì trên tài hơn hẳn những nỗi buồn cao sang nhưng thô thiển, ầm ĩ và lồ lộ ra trên các trang sách tràn ngập những tính từ bi ai.
  Bản thân Nguyễn Quang Lập nói mình dùng ” khẩu văn “, nhiều người khác cũng bảo vậy và không ít người nói vậy với cái ý là hành văn theo kiểu hoạt khẩu. Trong đời thường, Nguyễn Quang Lập do uống nhiều nên thường hay kể chuyện và kể rất hay, nhưng không phải người hay nói, không phải dân ” trăm hay ” lắm lời. Anh viết dường như rất dễ, nhưng sự dễ ấy trái ngược hoàn toàn với dễ dãi. Đố anh dễ dãi nào viết dễ được như thế. Còn những người viết khó khăn và ì ạch như tôi thì lại thường hay ” làm văn ” nên chỉ ước ao chứ không bao giờ đạt nổi  khả năng ” khẩu văn ” của Nguyễn Quang Lập. Viết được như thế thật sướng, nhưng muốn sướng được như vậy phải đổi cả một đời trần ai, nào ai dám đổi.

Ký Ức Vụn được Nhà xuất bản định nghĩa trên trang bìa là tạp văn chọn lọc. Nhưng riêng tôi, tôi nghĩ đây là tập truyện ngắn. Có thể gọi nó   là ” truyện ngắn không hư cấu ” được không ?
  Sự thực thì tôi thấy  Ký Ức Vụn là một cuốn tiểu thuyết, cuốn ấy  viết cho những người cùng thời cùng kiểu với tôi. Bởi tiểu thuyết là thế. Không có đời mình trong đó, nhưng đọc thấy đời mình, đời bạn bè mình, thấy lại trước mắt năm tháng đã qua, những năm tháng hiện hữu trong các câu chuyện và cả ở khoảng trống giữa các câu chuyện. Thời thơ ấu, tuổi  học trò, mối tình đầu, tang thương chiến tranh, đời văn, quê nhà, và tha hương lang bạt. Trần Vàng Sao. Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đoàn Anh Thắng. Phùng Quán. Bạn bè ở Huế…
  Mừng cho Nguyễn Quang Lập vượt được muôn trùng gian khổ trở về chiếm hữu lại văn đàn. Và cả mừng cho văn chương, cho nhà văn nói chung, trong đó có mình. Bấy lâu vẫn tưởng là số lượng độc giả ưa đọc và biết đọc văn học  càng ngày càng vơi. Cứ tưởng bây giờ thiên hạ chỉ thiên về ” văn học sân chơi “.  Song, cơn sốt, nếu có thể gọi như vậy, cơn sốt đam mê và thán phục của đông đảo độc giả, nhất là độc giả trẻ đối với Ký Ức Vụn đã chứng tỏ tôi nghĩ nhầm. Một tác phẩm văn học đã từ lâu lắm rồi mới thấy, lại  được đón nhận rộng rãi bởi một niềm say mê văn học đã từ lâu lắm rồi mới có. Thật là điều quá đáng mừng cho văn học.
    Bảo Ninh

Trần đời đến giờ, hơn năm chục năm sống nhăn răng tỉnh táo trên cõi đời này, mình mới chỉ thấy hai người dám xưng... cha mẹ với người khác khi còn rất trẻ. Người thứ nhất chắc chắn ai cũng biết rồi, người thứ 2 là... Bọ Lập.
Tất nhiên là tính chất nó khác nhau hoàn toàn. Một bên là tung hô ngưỡng mộ, một bên là hài hước vui vẻ. Huhu nhưng quả là cái sức hấp dẫn của Nguyễn Quang Lập nó dữ dội đam mê đến như thế nào.
Đọc tiếp...
 
Nguyễn Quang Lập tò mò… ký
Nguyễn Thành Phong

    Nguyễn Thành Phong và Hà Đức Hạnh là hai người bạn thân thiết của tôi hồi còn là sinh viên BK. Chơi với nhau từ đó đến giờ, nhiều khi cãi nhau, giận nhau nhưng chưa bao giờ bỏ nhau ngay cả trong ý nghĩ. Phong viết bài này lâu rồi, kỉ niệm ngày tôi lên đường nhập ngũ 15/12/1980 Phong là bạn trai khác lớp duy nhất tiễn tôi và Hạnh, cũng là kỉ niệm một tình bạn 30 năm ( 1978-2008) không sứt mẻ, tôi post bài này lên, mặc dù biết thế nào cũng có người cho là mèo khen mèo dài đuôi. Hi hi kệ…
 Em đi qua trảng cỏ/Sương tan thành bình minh/Đi qua cánh đồng xanh/Thành líu lo chim hót/Đi qua dòng suối ngọt/Suối ngọt hóa lời ca/Đi qua trái tim ta/Thành tình yêu nồng cháy… Thơ của nhà văn, nhà viết kịch, biên kịch điện ảnh nổi tiếng Nguyễn Quang Lập đấy.
 Chắc chả có nhà nghiên cứu phê bình nào biết tới những dòng thơ này của Lập. Có thể em sinh viên Tổng hợp hồi ấy, cách đây hơn 20 năm, giờ đã thành bà chủ, chồng con dùm dề, trong những phút giây hồi nhớ tuổi xuân, vẫn thấy vang lên những câu thơ trong trẻo mà cũ mòn ấy của Lập tặng cho từ ngày xa xưa.
Hai mươi mấy năm thật cũng dài. Thế mà sao tôi không quên được nhiều câu thơ đại loại như kiểu ấy của Nguyễn Quang Lập thời sinh viên Khoa Vô tuyến điện, Đại học Bách khoa Hà Nội. Nguyễn Quang Lập là bạn tôi từ hồi ấy. Tôi là sinh viên Khoa Hóa thực phẩm cùng trường.
 Sau này, lúc Lập danh nổi như cồn. Ngồi đâu cũng thấy người ta khen, tâng bốc Lập đến tận mây xanh… Tôi khẽ khàng khoe: “Nguyễn Quang Lập là bạn tôi đấy”. Biết bao người nhướng mày nhìn tôi, không mặn chuyện. Hẳn họ nghĩ tôi nhận xằng. Chắc cũng học cùng trường đại học. Mà học cùng trường với nhà văn ấy như thế, có mà tới cả… mấy chục ngàn thằng.
Lập là một “nhà tổ chức” bẩm sinh. Ngày đó, 12 thằng sinh viên, hai em xinh đẹp và một ông giáo viên của trường nữa là thành 15, cùng yêu thơ phú, nuôi mộng làm những bài thơ, hy vọng ngày mai công bố cho cả nước biết mà bàng hoàng, nhưng đêm nay đi trên đường là ngất ngưởng bóng dáng những thi nhân chưa ai biết tới, đã bàn việc lập thành một nhóm thơ lấy biểu tượng cánh cổng parabol của trường làm tên gọi – Nhóm thơ “Vòm cửa xanh”.
 Nhóm thơ thành lập, phải bầu bán người đứng đầu có uy tín mà lãnh đạo anh em chứ. Lập ngày ấy nghe nói đã có thơ được giải chính thức gì đó ở tỉnh Quảng Bình từ hồi nảo nào, thế là có uy tín rồi.
Nhưng Lập lại học trước bọn tôi hai năm, sắp ra trường, nên không thể cơ cấu làm chủ tịch để lãnh đạo lâu dài được. So với số còn lại, uy tín tôi vượt lên rõ ràng hơn cả. Tôi trẻ nhưng đã có thơ in báo Nhân Dân, Hà Nội mới và nhất là báo Văn nghệ nữa chứ. Trong nhóm, sau này nhiều người thành những người viết, công bố nhiều tác phẩm, đoạt nhiều giải thưởng, như: Hà Đức Hạnh, Đoàn Xuân Hoà đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, như các tác giả: Kiều Anh Hương, Đoàn Thông (chính là ông giáo viên hồi đó dạy ở khoa điện),Trần Quang Bình (nay đã mất)… Còn một người làm thơ nữa tên là Ngô Hồng Oai, viết thơ trao tay nhau đọc thì ký là Hải Quang, sau này viết truyện hài hước nổi tiếng lại lấy bút danh là Nguyễn Ma Lôi. Nhưng những cái tên trên hồi ấy tinh hoa chưa kịp phát tiết. Dĩ nhiên tôi có thể yên vị mà ngồi vào vị trí chủ tịch.
Nhưng bỗng có vấn đề. Lê Quang Sinh, giờ là phóng viên Văn nghệ trẻ, thường trú tại TP Hồ Chí Minh, khi ấy cứ nhiệt tình quá, tự động sừng sừng đứng ra tổ chức các cuộc họp, rồi cũng lái được nhận xét của anh em, là cũng xứng vào vòng tranh cử. Vậy thì phải hiệp thương, rối như canh hẹ.
 Nguyễn Quang Lập nghe ngóng dư luận, thức trọn nửa đêm, hút hết ba gói thuốc lào rồi bỗng vỗ đùi đánh đét, phán: “Thì đặt ra hai chức như hội nhà văn quốc gia ấy vậy. Chủ tịch là ông Phong. Còn ông Sinh là tổng thư ký!”.
Xong vấn đề. Tôi thế là vẫn oai, lại chả phải làm gì. Mọi việc lo họp hành, tiền rượu trắng, tiền lạc rang, thuốc lá cuộn giao tổng Sinh lo. Thẻ hội viên do tổng Sinh cậy cục nhờ người đánh máy như thật, lại có cả hai chỗ bên dưới để cho cả chủ tịch Phong và tổng Sinh cùng ký. Lập ngồi vểnh râu uống rượu, ngấm ngầm nhận ánh mắt biết ơn của cả tôi lẫn Sinh.
Tổ chức có rồi, nhưng là thành lập chui. Đoàn trường nghe tin, biết sinh viên học Bách Khoa mà làm được thơ đăng báo thì quý lắm, càng không nỡ cấm sợ các “nhà thơ trẻ” mất hứng sáng tác, ảnh hưởng đến phong trào văn nghệ sinh viên, nhưng lại cũng lo, nhỡ nhóm làm bậy điều gì đó thì nguy to. Liền cử một cán bộ đoàn mang mấy bài thơ tự sáng tác gửi đến xin tham gia nhóm.
 Anh em hơi tự ái, lo công việc sáng tác thơ cao quý của mình bị theo dõi, sẽ mất tự do. Lập nghe tin, nghĩ ngợi mất nửa gói thuốc lào, rồi lại phán: “Kết nạp ngay ông cán bộ Đoàn ấy vào. Đoàn trường sẽ yên tâm, ta thì chính danh, không khéo lại được bảo trợ, thêm được khoản tiền trà thuốc không tốt sao?”. Anh em đồng loạt hoan hỉ, răm rắp nghe theo Lập.
Tôi thấy Lập “quái” còn qua một việc nữa. Ngày đó, phong trào làm thơ trong sinh viên trường Bách Khoa lên cao vút. Ban giám hiệu cho tổ chức một cuộc thi, treo giải khá cao nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập trường. Hàng ngàn bài thơ sinh viên trong trường gửi dự thi. Tất nhiên nhóm “Vòm cửa xanh” chiếm chủ lực về chất lượng.
 BGH nhờ tôi đi mời những nhà thơ nổi tiếng về trường để chấm thơ. Tôi rủ Sinh, đi mời được ba nhà thơ cực oách là Quang Huy, Võ Văn Trực và Nguyễn Bùi Vợi đến trường gặp lãnh đạo và nhận thơ về chấm. Gần xong, tôi và Sinh lóc cóc đến thăm dò kết quả. Nhà thơ Quang Huy nheo nheo mắt: “Thơ các cậu hay lắm. Phong và Sinh đều xứng giải nhất. Thơ Đoàn Thông cũng hay chả kém. Nhưng… theo mình, thì… thi thơ ở một trường đại học, chả lẽ lại trao đến hai, ba giải nhất. Có khi chỉ nên trao một thôi”.
Tôi và Sinh ắng lặng đưa mắt nhìn nhau. Chả ai chịu tiến cử ai vào ngôi vị nhất cả. Thơ tôi hay, ít ra là ngang thơ Sinh, đáng ra Sinh phải lên tiếng nhường tôi nhất để tôi thêm uy tín mà lãnh đạo anh em chứ. Tôi nhường Sinh thì hóa ra thơ chủ tịch hay kém thơ tổng thư ký thì còn mặt mũi nào nữa. Hai đứa đều im như thóc, chào nhà thơ Quang Huy ra về. Chắc cả hai cùng thức trằn trọc suốt đêm để… mưu tính.
 Hôm sau, Lập lúc ấy đã ra trường, vào bộ đội đóng quân ở đảo Cái Bầu, trốn về Hà Nội thăm em ở Tổng hợp và tranh thủ đến sinh hoạt nhóm. Nghe tôi tâm sự cái tình thế khó khăn ấy, vỗ trán nghĩ một lúc rồi nói ngay: “Hai ông là lãnh đạo, đừng tham vặt. Thơ Đoàn Thông cũng hay, so với hai ông là một chín một mười chứ gì? Thế thì để một giải nhất là ông ấy. Hai ông hai giải nhì. Có hơn không nào?”
 Tôi à lên tâm phục khẩu phục Lập, rồi chạy đến tỉ tê với chánh chủ khảo Quang Huy. Và sau đó giải đã được trao đúng như thế. Cả nhóm thơ ngất trời vui. Có 15 giải, nhóm thơ chiếm tới 13, chỉ lọt hai khuyến khích ra ngoài, một cho Đặng Huy Giang bên trường Tổng hợp Văn thi ké, một cho một cựu binh đang học tại trường. Đoàn Thông hiến hết tiền giải cùng anh em làm một đoạn săm ô tô rượu lậu từ Bắc Ninh về uống cả đêm, say đứ say đừ đến cả mấy hôm sau còn ngả nghiêng…
Nguyễn Quang Lập sau khi đi bộ đội, đóng ở đảo Cái Bầu ngoài Quảng Ninh, rồi chuyển vào Đà Nẵng, vẫn không thôi mộng văn chương. Ra quân, Lập về Sở VHTT tỉnh Bình Trị Thiên, bắt đầu bỏ thơ, viết truyện ngắn. Truyện đầu tiên có tên là “Người lính hay nói trạng” in trên tạp chí “Sông Hương”, từ đó danh nổi như cồn, từ truyện ngắn nhảy sang viết tiểu thuyết, kịch bản sân khấu và kịch bản phim. Lập viết cái gì nổi tiếng cái ấy, cả tung hô lẫn có lúc bị “đánh” chí chết.
Chức to nhất Lập có được do bầu là Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên. Bầu xong, Lập sướng mấy ngày, kể: “Lạ ghê, mọi người toàn gọi tao là thằng Lập, bầu trúng chức xong, ngay chiều ấy được cơ quan thuê com lê cho, xe ô tô con xịch đến đón tại nhà đưa lên họp với lãnh đạo tỉnh và từ đó, ai cũng một điềuanh Lập, hoặc ông Lập. Sướng mê đi nhé!”.
Rồi Lập ra Quảng Trị, vẫn là Phó Tổng thư ký Hội VHNT tỉnh Quảng Trị, lại trúng chân đại biểu HDND thị xã. Có lần tôi nghe kể, Lập phát biểu về máu xương đã đổ xuống thành cổ 81 ngày đêm tại một kỳ họp HDND làm mọi người đều rưng rưng khóc…
Năm 1991, tôi đi thực tế qua Quảng Trị, ghé vào thăm Lập. Lập nói gì đó với kế toán rồi rút bút ký. Ngay sau đó, kế toán mời tôi xuống phòng lĩnh hai trăm ngàn đầu tư sáng tác. Ngày ấy là món tiền to. Tôi choàng mắt nhìn. Thằng bạn mình giờ ký một cái là khắc có người chi ngay cho mình tiền răm rắp, ghê chưa.
 Hôm sau, lại còn cho xe con đưa mình ra chỗ đoàn cùng đi thực tế. Tiền ấy tôi mang về khoe vợ, bàn nhau không tiêu gì, đi mua ngay một cái đài cátxét thật oách về nghe nhạc du dương và nghĩ, và mong, thằng bạn mình sẽ còn lên to nữa…
Rồi cũng vì sinh kế, và vì tương lai con cái, Lập dẫn một vợ ba con ra Hà Nội một lèo. Chưa có việc gì chắc chắn cũng nhất quyết đi… Đường quan lộc của Lập như dừng lại… Nhất là sau vụ tai nạn xe máy cách đây mấy năm, Lập cà nhắc, cà tang thế, vào cơ quan lớn dễ bị bảo vệ gọi lại hỏi, tưởng người đâu đưa đơn kiện đến hay cũng là tới để phàn nàn thắc mắc gì đó. Đừng nói Lập không thích chức vụ và không có tài làm lãnh đạo. Nhưng giờ thì hoàn cảnh trời đày thế, bai bai thôi cậu chàng nhé.
Những cái Lập làm được trong sáng tác là hơn vạn lần những chức tước mèng mèng có thể làm được. Người ta đã tốn nhiều giấy mực khen ngợi Lập, và cả có lúc phê phán chê bai dữ dội đối với Lập rồi. Những gì Lập làm được trong sáng tác từ sau những vần thơ hay cũ mòn hồi sinh viên đến nay luôn làm tôi bất ngờ.
Nhưng điều ngạc nhiên là Lập đã luôn nói trước với tôi về những điều đó trước khi nó đến nhiều thời gian. Ví như, đang làm thơ, quãng năm 84, 85, Lập viết thư cho tôi nói rằng sẽ không làm thơ nữa vì không thể hay được, và sẽ viết truyện ngắn và một vài năm sau là nổi tiếng.
Có lẽ bài thơ Nghe tin bạn có con trai viết tặng tôi hồi tháng 7-1985 khi tôi có con trai đầu lòng với hai câu kết trứ danh “Đời háu đá, đá tôi thêm mấy phát/Bớ đời! Đừng bắt nạt cháu yêu tôi” in trên Văn nghệ và nhiều nơi khác là bài thơ cuối cùng cho đến nay của Lập.
Sau đó truyện ngắn của Lập xuất hiện ào ạt: Người lính hay nói trạng, Cây sến lửa, Đò ơi, Chuyện sót lại ở thung lũng Chớp Ri … Thật ngoạn mục, ấn tượng, thảng thốt người đọc và giới phê bình.
 Đang khi ấy, Lập nói sẽ viết kịch, sẽ đến học lỏm nghề kịch của kịch tác gia Xuân Đức rồi sẽ làm cho Xuân Đức, Đào Hồng Cẩm phải nể. Sau đó là Trên mảnh đất người đời, Mùa hạ cay đắng, Ngôi nhà quỷ ám… xuất hiện đúng như thế.
 Lập tuyên bố sẽ viết kịch bản phim, chiến lược là phim nhựa, chiến thuật là phim truyền hình. Sau đó là những Đời Cát, Thung lũng hoang vắng… vang danh ra quốc tế.  Đó là chưa kể, Lập làm báo Cửa Việt, Văn nghệ Trẻ… Lập làm được khối việc to tát ấy chả nhờ vào chút vận may nào cả. Đều do tự hoạch định mà nên. Cái tài tổ chức được lặn vào những việc của mình chứ có phát nhầm đi chỗ nào đâu?
Tuổi Bính Thân, cầm tinh con khỉ mà lạ là Lập không thích ăn hoa quả với đồ ngọt bao giờ cả. Bính Thân cũng khối người sung sướng nhưng Lập bạn tôi thì ít được sướng. Cái dáng đi đã khổ, cái nết ăn cũng khổ theo. Chả biết chơi gì cho tới bờ, tới bến cả. Hai lần tai nạn xe cộ đều dính đến đầu. Hai, ba lần tai nạn văn chương giữa trường văn trận bút, tưởng khó ngóc đầu lên, thế mà vẫn tinh tướng ra phết.
Ngày còn thiếu miếng ăn, Lập ra tôi chơi. Hỏi thích ăn gì nhất, để đi chợ mua. Lập bảo thích nhất là rau muống xào với cà xanh chấm mắm tôm. Ngày lĩnh giải thưởng văn học của Bộ Quốc phòng, Lập mang tiền về thẳng nhà tôi, dẫn tôi ra chợ Giời mua cho vợ tôi chiếc xe đạp lấy cái để đi làm.
 Bao năm rồi, đã giàu và hiện đại hơn lên một chút. Chiếc xe đạp cùng cái cátxét, tôi đã mang về quê để ở nhà ông bà già. Mỗi lần về, tôi lại đi cái xe đạp ấy trên đường làng và khi ở nhà, lại bật cátxét lên nghe. Tiếng nhạc vẫn còn du dương lắm.
    Xuân Bính Tuất, 2006.
 
VÀI CẢM NHẬN NHÂN ĐỌC “KÝ ỨC VỤN” CỦA NHÀ VĂN
Bảo Ninh
Tác giả đi dọc qua thành phố ra tận bờ sông Hồng trong buổi tối mưa gió mang  tác phẩm mới in xong đến tặng bạn hữu, mà vừa đề tặng vừa nhấm nhẳn mắng người ta.  Tôi viết là viết phục vụ đồng bào đồng chí của tôi, những người lao động quê mùa chân lấm tay bùn đọc chơi cho vui, chứ sức mấy mà mong đám thị thành văn vẻ các ông để mắt, không dám đâu.  Đã bực bội không dưng như vậy thì thèm vào, nghĩ bụng thế.  Vả lại, khẩu văn blog, – theo như lời của chính tác giả nói về cuốn sách -  nó là cái gì vậy ?
  Năm trước nghe thiên hạ kháo nhau loạt bài tả chân do Nguyễn Quang Lập viết và tải trên mạng, tôi nhờ bạn in ra giấy để đọc. Đọc xong, cười rũ, giống như hồi xưa ngang qua Khu Tư lính tráng cười bò ra với nhau nghe kể chuyện bọ. Khẩu văn blog là thế ? Và cuốn  Ký Ức Vụn là tập hợp của những bài tả chân ấy ?
 Để cuốn sách đầu giường, mấy hôm sau mới giở trang đầu. Đọc chơi cho vui, tác giả đã bảo vậy, thì đọc cho vui.
Bất thường ngay từ trang đầu. Viết lách nhẹ không, như chơi,  mà cuốn ngay lập tức. Hết truyện Con Ăn Ruồi đọc sang truyện Thằng Hai Đầu Gối, rồi Thằng Sứt Môi, rồi Ký Ức Năm Hào, rồi Thắng Á, Chị Du…
  Truyện có hay không ? Hay như thế nào ?
  Nhớ có lần bàn luận với nhau ở báo điện tử Vietimes về cuốn Tuổi 20 Yêu Dấu của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, khi được hỏi rằng vì sao mà thích, vì sao mà thấy tiểu thuyết đó hay, tôi không thể giải thích, bởi tôi không biết. Cái con người độc giả trong tôi chỉ có một ” tiêu chí ” để tự mình định giá với mình về một tác phẩm văn học, ấy là : đọc một mạch hết cuốn sách, hoặc miễn cưỡng đọc cố,  hoặc chỉ trang đầu, thậm chí dòng đầu đã phải đầu hàng.  Ông bạn ở Vietimes vặn ngay :  truyện chưởng vẫn thường được người ta đọc hết một lèo không buông sách, vậy Kim Dung là nhà văn lớn ?
    Vặn vẹo như thế còn biết nói sao. Tuy nhiên với truyện chưởng thì tôi vẫn vậy thôi, đo lường theo cái cách đó. Không đọc được hết một trang, và vì thế, với tôi, truyện của Kim Dung không hay. Tất nhiên là với tôi thôi.
  Khi đã là tác phẩm hay thì bất  kể là của ta của tây của tàu, bất kể cổ kim, bất kể tên tuổi, bất kể thể loại, đề tài, cách viết, có khi cả không cần hiểu kỹ lưỡng kỳ cùng nội dung, cốt truyện của cái truyện ấy  nó là thế nào, hay là hay, vậy thôi, miễn bình luận.  Cái hay của tác phẩm văn học là hoàn toàn vô thức và nói chung độc giả cũng vô thức mà cảm được cái hay ấy.
    Tôi nằm đọc Ký Ức Vụn tới nửa đêm, thấy khuya quá rồi thì tắt đèn nhắm mắt. Nhưng không thể ngủ. Lại phải bật đèn, mở sách ra, đọc tiếp. Hơn 290 trang kìn kìn chữ, đọc một hơi tới sáng. Cả ngày hôm sau chỉ nghĩ về cuốn sách ấy.
  Ký Ức Vụn, nếu là trong một mâm nhậu vài ba thằng đọc to lên với nhau chắc phải phát sặc lên vì cười, và cả tức nữa, đến muốn đập chén chửi vang. Nhưng một mình nằm đọc thì chẳng thấy buồn cười. Chẳng thấy tục. Chẳng thấy bỗ bã.  Đây là một tác phẩm sâu nặng buồn vui. Buồn nhiều hơn vui. Những mảnh ký ức khía vào tim người đọc. Càng khía sâu hơn bởi  cách viết -   tôi không biết gọi sao cho đúng cái cách viết ấy : thảo khấu, cười cợt, báng bổ, làm loạn, trêu ngươi  ? – khiến chữ nghĩa tương phản với nội dung. Đấy là cách viết của sự ” trên tài “. Một tác phẩm bi kịch đời người mà chữ nghĩa lại gây cười thì trên tài hơn hẳn những nỗi buồn cao sang nhưng thô thiển, ầm ĩ và lồ lộ ra trên các trang sách tràn ngập những tính từ bi ai.
  Bản thân Nguyễn Quang Lập nói mình dùng ” khẩu văn “, nhiều người khác cũng bảo vậy và không ít người nói vậy với cái ý là hành văn theo kiểu hoạt khẩu. Trong đời thường, Nguyễn Quang Lập do uống nhiều nên thường hay kể chuyện và kể rất hay, nhưng không phải người hay nói, không phải dân ” trăm hay ” lắm lời. Anh viết dường như rất dễ, nhưng sự dễ ấy trái ngược hoàn toàn với dễ dãi. Đố anh dễ dãi nào viết dễ được như thế. Còn những người viết khó khăn và ì ạch như tôi thì lại thường hay ” làm văn ” nên chỉ ước ao chứ không bao giờ đạt nổi  khả năng ” khẩu văn ” của Nguyễn Quang Lập. Viết được như thế thật sướng, nhưng muốn sướng được như vậy phải đổi cả một đời trần ai, nào ai dám đổi.

Ký Ức Vụn được Nhà xuất bản định nghĩa trên trang bìa là tạp văn chọn lọc. Nhưng riêng tôi, tôi nghĩ đây là tập truyện ngắn. Có thể gọi nó   là ” truyện ngắn không hư cấu ” được không ?
  Sự thực thì tôi thấy  Ký Ức Vụn là một cuốn tiểu thuyết, cuốn ấy  viết cho những người cùng thời cùng kiểu với tôi. Bởi tiểu thuyết là thế. Không có đời mình trong đó, nhưng đọc thấy đời mình, đời bạn bè mình, thấy lại trước mắt năm tháng đã qua, những năm tháng hiện hữu trong các câu chuyện và cả ở khoảng trống giữa các câu chuyện. Thời thơ ấu, tuổi  học trò, mối tình đầu, tang thương chiến tranh, đời văn, quê nhà, và tha hương lang bạt. Trần Vàng Sao. Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đoàn Anh Thắng. Phùng Quán. Bạn bè ở Huế…
  Mừng cho Nguyễn Quang Lập vượt được muôn trùng gian khổ trở về chiếm hữu lại văn đàn. Và cả mừng cho văn chương, cho nhà văn nói chung, trong đó có mình. Bấy lâu vẫn tưởng là số lượng độc giả ưa đọc và biết đọc văn học  càng ngày càng vơi. Cứ tưởng bây giờ thiên hạ chỉ thiên về ” văn học sân chơi “.  Song, cơn sốt, nếu có thể gọi như vậy, cơn sốt đam mê và thán phục của đông đảo độc giả, nhất là độc giả trẻ đối với Ký Ức Vụn đã chứng tỏ tôi nghĩ nhầm. Một tác phẩm văn học đã từ lâu lắm rồi mới thấy, lại  được đón nhận rộng rãi bởi một niềm say mê văn học đã từ lâu lắm rồi mới có. Thật là điều quá đáng mừng cho văn học.
 
Ghép lại những mảnh vụn ký ức
Tiểu Quyên
20 năm trước, tác giả của tập truyện ngắn Tiếng gọi phía mặt trời lặn khiến người đọc chùng lòng. 20 năm sau, vẫn là những góc đời buồn, nhưng Nguyễn Quang Lập đã thả vào Ký ức vụn những nụ cười hài hước nhưng đầy ưu tư, suy ngẫm
Gần 20 năm vắng bóng trên văn đàn, nhà văn Nguyễn Quang Lập trở lại với tác phẩm Ký ức vụn (NXB Hội Nhà văn – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây ấn hành) đã gây ít nhiều bất ngờ cho bạn đọc và người trong giới.
Ký ức vụn giống như một khoảng đời mênh mông mà nhà văn đã góp nhặt trong suốt hành trình sống và trăn trở. Tác phẩm được chia thành từng phần khá rạch ròi: Những người từng gặp, Buồn vui một thuở, Thương nhớ mười ba, Những người bạn khó quên… ở đâu và ở thời điểm nào cũng thấy những cuộc đời chìm nổi, truân chuyên, bất hạnh đi qua trang viết của nhà văn. Có khác chăng là giọng văn của Nguyễn Quang Lập 20 năm sau đã khác hơn, dí dỏm hơn và ngôn ngữ cũng tự do, phóng khoáng hơn. Những mảng ký ức trôi qua từng trang viết, không định lượng thời gian nhưng vẫn thấy như hình ảnh của người trong quá khứ vẫn còn hiện hữu đâu đây. Cuộc sống thay đổi nhưng có những bi kịch phủ lên phận người cứ như tuần hoàn, chỉ có sức chịu đựng là khác nhau.
Nguyễn Quang Lập gọi những người bạn trong ký ức mình bằng những cái tên kiểu như “con ăn rùi”, “thằng hai đầu gối”, “thằng sứt môi”, “thằng Thanh”, “thằng Á”, “chị Du”… – một kiểu “độc quyền kỷ niệm” nhưng trải trong đó là số phận con người trong cuộc sống vốn nhiều bể dâu. Mà mỗi cuộc đời đều xứng đáng được đi vào văn học hay cả điện ảnh như chính tác giả đã chia sẻ: “Nhiều lần tôi muốn làm phim” khi nói về các nhân vật đi qua hồi ức của ông.
Đọc Ký ức vụn, ngỡ ngàng khi lại được trở về thung lũng Chớp-ri của miền Tây Quảng Bình. Không gian này 20 năm trước đã có một Chuyện ở thung lũng Chớp-ri với hình ảnh cô giáo Thương khao khát hạnh phúc mà vụng trộm trong nỗi đắng đót xót xa. Bây giờ lại xuất hiện hình ảnh thằng Hoàn mỗi khi nhớ mẹ lại thích thổi sáo dụ rắn ra ngoài, chỉ vì nghe cha nói rằng “mẹ là con rắn độc”, rồi cuối cùng lại chết thương tâm vì bị rắn độc cắn. Những ký ức rất ngắn, nhưng mỗi một cuộc đời được tái hiện qua những trang viết của nhà văn lại hiện lên rất rõ, đủ để xao xác lòng người đọc về những phận đời.
20 năm trước,  tác giả của tập truyện ngắn Tiếng gọi phía mặt trời lặn khiến người đọc chùng lòng bởi những câu chuyện buồn đến mênh mông của các nhân vật trong Tiếng khèn bè, Tiếng lục lạc, Đò ơi, Hạnh phúc mong manh… 20 năm sau, vẫn là những góc đời buồn, nhưng Nguyễn Quang Lập đã thả vào Ký ức vụn những nụ cười hài hước nhưng đầy những ưu tư, suy ngẫm.

Ký ức vụn còn là hình ảnh của những con người rất gần, một hành trình rất thật của cuộc đời tác giả. Ở đó, thấy Nguyễn Khải, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hòa Vang, Nguyễn Lương Ngọc, thấy cả Công Ninh, Hồng Ánh, Mai Hoa, Nguyễn Thanh Sơn… Ở đó còn có những chặng đường đã qua và cả những tiếng thở dài trong cuộc sống hiện thời của nhà văn. Một sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa kỷ niệm và sự cảm thông, giữa những ưu tư trước thời cuộc và sự thay đổi chóng vánh và bất ngờ của những điều diễn ra trong cuộc sống hằng ngày.

Nhiều bạn văn nhận xét vui rằng Nguyễn Quang Lập viết Ký ức vụn bằng ngôn ngữ đôi lúc “tưng tưng”, “cù rờ cù rựng” và dùng cả những từ ngữ nằm trong “vùng cấm kỵ” đến mức “tầm bậy tầm bạ”. Nhưng thật kỳ lạ, nếu thiếu những ngôn ngữ ấy thì các mảnh ký ức chắc chắn sẽ vắng hẳn nét riêng trong văn chương của “bọ Lập”. 

Nhà văn nói rằng: “Sau khi cười xong, người ta nhận ra chút gì đó ngậm ngùi, đăng đắng là cách tôi vẫn hay làm”. Và thật đúng khi đến với Ký ức vụn, có những mảnh ký ức của nhà văn khiến người ta bật cười, nhưng cái cười ấy bao giờ cũng đan lồng một nỗi rưng rưng. Cái thanh khiết ở mỗi con người chính là họ đã sống và cảm nhận đúng ý nghĩa cuộc đời của họ. Nhưng cái bất hạnh của mỗi cuộc đời chính là sự nghiệt ngã của lằn roi số phận.

Những bài viết tập hợp trong Ký ức vụn hầu hết đã được đăng tải trên blog Quê choa thu hút đông đảo độc giả.
Bạn bè gọi vui Nguyễn Quang Lập là “hot blogger”. Chủ blog Quê choa nói rằng ông không đi theo xu hướng xuất bản sách trên mạng, việc đăng bài trên blog là một “kế hoạch dài hạn” hoàn toàn có trong chủ đích của ông. Ngoài Ký ức vụn, nhà văn Nguyễn Quang Lập còn đang “ngấm ngầm” viết một cuốn tiểu thuyết và sẽ sớm cho ra mắt độc giả.
 
Thân phận, tình người trong từng mảnh “Ký ức vụn”
Nguyễn Đình Xuân
 Văn đàn nước ta thời gian qua dường như xáo động bởi cuốn tạp văn chọn lọc của nhà văn Nguyễn Quang Lập có nhan đề “Ký ức vụn”, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phối hợp với Trung tâm Văn hoá ngôn ngữ Đông Tây xuất bản. Sau hai mươi năm, kể từ cuốn “Những mảnh đời đen trắng”, Nguyễn Quang Lập mới lại ra sách. Điều đó khiến bạn bè văn chương, bạn đọc mừng cho anh. Thực ra, “Ký ức vụn” đã được bạn đọc đón nhận từ khi tác giả công bố những bài viết trong tập trên blog của mình. Chính những bài viết đó khiến blog “Quê choa” của Nguyễn Quang Lập được  hàng vạn người truy cập mạng để đọc tác phẩm của anh. Có người đã nói “Ký ức vụn” là tác phẩm văn học mạng đúng nghĩa. 
“Ký ức vụn” được bạn đọc đón nhận với tình cảm thân thiết như người thân trở về nhà. Người thân ấy rất đời thường, có chút nghiêm túc, bông lơn, hay nói phương ngôn với giọng rất Quảng Bình, ngay cả khi nói tục hơi thái quá. Nổi bật trong “Ký ức vụn” là những thân phận, tình người, dù họ ở tầng lớp thượng lưu, giới văn nghệ sĩ hay chỉ là những người làng người xóm, sống xung quanh những ngày thơ ấu hoặc đã gặp trên đường đời mưu sinh.
Tôi đã cảm động khi đọc “Ký ức năm hào”, một kỷ niệm không thể phai mờ trong ký ức Nguyễn Quang Lập. Nhân vật trong truyện là cô bé 11 tuổi, bị bom Mỹ sát hại khi cầm năm hào đi chợ. Chuyện “Con chó Giôn”, giống “Lão Hạc” của Nam Cao, nhưng đọc thấy hiện lên một thời lam lũ, nghèo khó khắc sâu ngay cả trong giấc mơ trẻ thơ. Nguyễn Quang Lập kể chuyện tự nhiên, tưng tửng, đọc rồi tự cười một mình, nhưng mà sâu, mà cay, mà thương cho những nhân vật, bởi đó là những con người có thật như đang sống quanh mình. Những thằng Á, thằng Thanh, thằng Tụy, rồi “thằng sứt môi”, “thằng hai đầu gối”, “con ăn ruồi”; từ những anh cu Cá, cu Luật, cu Đo, cu Hoi, cu Hó, đến những bà Thiêm, cô Thi, chị Du, anh Thu… Trong họ có những đức tính tốt, xấu, có những mâu thuẫn trái ngược nhau. Người hám danh, hám lợi; người lành hiền, thật thà; người quỷ quyệt, xảo trá… Nhưng những con người đó làm nên một đời sống xã hội đa dạng, đa chiều; toát lên vẻ đẹp hồn quê và cũng làm sống lại một thời ký ức chiến tranh trên vùng đất lửa Quảng Bình. Trên vùng đất ấy đã có những mảnh đời, những phận người khác nhau. Có người để lại tấm tình sâu sắc, có người “đi như hạt bụi giữa không trung”. Làm sao không tình, khi anh Á bị chị Du từ chối tình yêu, quyết không lấy làm chồng khi còn ở làng, đến khi đi bộ đội hy sinh, chị lại để tang anh: “Chị cuốn cái tang trắng trên đầu, đi từ đầu làng đến cuối xóm, mặc kệ ai muốn nói gì thì nói”. Cái tình của Hoàn trong chuyện “Thằng sứt môi” đọc khiến chảy nước mắt. Nguyễn Quang Lập khéo gợi cái tình cả trong những con người khùng khùng, điên điên; gạn trong họ chất NGƯỜI để mà sống, mà chiêm nghiệm, để “lòng ta trong sáng hơn”.
“Ký ức vụn” dành hơn nửa số trang viết về giới văn nghệ sĩ, những nhà văn, nhà thơ, biên kịch, đạo diễn, diễn viên, nhạc sĩ… Qua những câu chuyện của Nguyễn Quang Lập kể, ta hình dung ra đời sống sinh hoạt của họ, nhất là các bạn văn ở Huế, nơi một thời anh từng công tác ở Hội địa phương. Viết về họ, Nguyễn Quang Lập không đánh giá, không khái quát sự nghiệp văn chương, không đi sâu vào tác phẩm; anh chỉ nói về cái tình, vẽ chân dung qua một vài tính cách của họ. Đọc những truyện như thế, bạn đọc hiểu thêm một phần đời sống của người làm văn học-nghệ thuật, cho dù là họ đã thành danh, tác phẩm của họ đã đi vào tâm trí người đọc. Người đọc sẽ nhớ cái vỗ vai của Nguyễn Khải, lời khen thường trực của Hữu Thỉnh, tài nói chuyện của Trần Đăng Khoa, sức hấp dẫn trong lối đọc thơ và chuyện nợ rượu của Phùng Quán, sự cẩn thận, trau truốt câu từ của Hoàng Phủ Ngọc Tường; hay về sự say của Nguyễn Trọng Tạo, cái lơ ngơ duyên dáng của Tuyết Nga, con người điên điên khùng khùng Bùi Giáng… Mỗi người một tính cách, một “tật” riêng, nhưng trùm lên các trang viết ấy là cái tình, tính nhân bản. Sự nổi tiếng, những thành công của nghiệp văn, của tác phẩm đều bắt nguồn và xây dựng trên những cái đời thường, mà đôi khi người không biết dễ bỏ qua.
Nguyễn Quang Lập là người có tài trong cách kể chuyện, sử dụng khẩu ngôn linh hoạt và dân dã. Điều đó giúp anh được bạn đọc ưa thích. Anh cũng khéo kết hợp sử dụng lối kể chuyện dân gian trong tiếu lâm, sự hóm hỉnh trào lộng và tính thông tấn trong các bài viết. “Ký ức vụn” có năm phần, nhưng tôi thích những bài viết về những con người lam lũ ở quê; họ có cá tính, cả sự không trọn vẹn về thân thể. Tôi thấy có mình ở “Thương nhớ mười ba”, đồng cảm ở sự day dứt khi “hồn quê” xa vắng. Tập sách này, Nguyễn Quang Lập lạm dụng nhiều những câu văn mà người ta cho là tục, đôi khi quá liều, dẫn đến sự tự nhiên chủ nghĩa. Tên tập sách là những mảnh ký ức của Nguyễn Quang Lập, tưởng là vụn vặt nhưng chúng nói lên rất nhiều khía cạnh của xã hội, của văn chương và điều đó đáng để bạn đọc suy ngẫm.
 
Ký ức vụn – Khối tình lớn – Đọc đã đời
Nguyễn  Ái Học
1. Trong độ mấy chục văn sĩ (cả phê bình và sáng tác) mà tôi được biết, Nguyễn Quang Lập là người nói tục số một. Mười ba năm trước được gặp anh tại nhà riêng ở phố Lò Sũ. Nghe anh nói giọng “thẳng tưng”, bỗ bã, huỵch toẹt, cú một, không đưa đưa, đẩy đẩy, lươn lươn lẹo lẹo… nghe “đã đời”. Nay gặp lại anh, thấy anh đi lại khó khăn – do trải qua tai nạn, nhưng anh vẫn khoẻ, vẫn nguyên xi một giọng nói tục, huỵch toẹt, thẳng tưng, không ấm ớ, lại thấy thật “đã đời”!
Thú thực, trước đây, tôi chưa đọc Nguyễn Quang Lập. Phạm Xuân Nguyên là bạn thân Nguyễn Quang Lập, có nhắc tôi về tiểu thuyết Những mảnh đời đen trắng và phim Đời cát của anh. Biết tôi chưa đọc, Nguyên nói: “Chú thì thật….”. Rồi tôi cũng chưa đọc được. Nguyên lại nói: “Chú thì thật…”. Nay, vô tình gặp tạp vănKý ức vụn của Nguyễn Quang Lập vừa mới “ra lò” (Nxb Hội Nhà văn – Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây – 2009), đọc  thấy “đã đời”, liền cầm bút viết bài này.
2. Ký ức vụn của Nguyễn Quang Lập gồm 59 bài, chia làm 5 phần, đúng hơn là 5 mục: 1. Những người bạn khó quên; 2. Buồn vui một thuở; 3. Người từng gặp; 4. Thương nhớ mười ba; 5. Bạn văn. Không biết anh chia như thế để làm gì?
Năm mươi chín bài, gọi là truyện ngắn cũng được, gọi là hồi kí cũng được, gọi là chân dung cũng đúng . . . Bởi vậy, gọi tạp văn là hợp lý!
Đọc Ký ức vụn, cảm giác ban đầu thấy Nguyễn Quang Lập nói toàn chuyện “tầm bậy tầm bạ”, “cù rờ cù rựng”, nói tục kinh khủng! Suy ngẫm một chút ta dễ thấy giọng văn ở đây có vẻ “ba trợn ba trạo”mà thực chất không “ba láp”, “ba hoa”, tưởng “cù rờ cù rựng” mà thực chất toàn chuyện cần thiết, nghiêm chỉnh, chuyện trung tâm của con người. Đó là chuyện ăn, chuyện ngủ…, chuyện gia đình, khát vọng tình yêu, tình bạn, niềm thương nhớ quê hương, chiến tranh, sự giả trá, nhân cách làm người, chuyện thơ văn, rồi những cảm xúc như đau thương, oan khuất, mỉa mai, chua xót, oái oăm…, về những điều vừa nói. Toàn những chuyện đời, rất chi là đời.
3. Đọc Ký ức vụn, tôi có cảm giác, Nguyễn Quang Lập ngồi chơi trò ru bích (mượn cách nói của Thanh Thảo). Ký ức vụnlà một khối hỗ lốn, một khối ru bích, Nguyễn Quang Lập cứ xoay một mặt là ra một cái nhìn độc đáo, mới mẻ về một mảnh đời gắn với một vấn đề đời sống như  vừa nói trên đây. Nguyễn Quang Lập như không viết văn, mà ngồi kể chuyện “cộ” (tiếng miền Trung, “cộ” là “cũ”). Sự sống hiện ra như nó đã có. Nhưng mỗi câu chuyện của anh bao giờ cũng vút lên một điều gì đó, làm ta nhức nhối, rưng rưng – với lối viết ngắn gọn, hiện đại. Đoạn kết của mỗi chuyện, ngôn ngữ của Nguyễn Quang Lập “ ngầm” xoẹt ngang một “nhát”, như bom sát thương, làm ta điếng người. Tôi đã bật khóc  khi đọc “Ký ức năm hào”. Tôi cũng dám chắc nước mắt nhà văn đã nhoà trang giấy trong âm điệu câu văn trấn an cho tâm trạng quá khứ mà thực ra là hiện tại: “Khi đó mình không khóc, mình nhớ như  in khi đó mình không khóc”. Bây giờ thì anh đang khóc. Có phải đó là những giọt nước mắt qúi hiếm trong thời đại chúng ta đang sống – thời đại  “thừa tâm lý,  thiếu tâm hồn” như nỗi lo âu của nhà văn giải Nobel -  Octavio Paz?
Nguyễn Quang Lập đã thật sự ám ảnh ta bằng cái thế giới độc đáo mà anh hồi ức. Thế giới ấy có nhiều nhà văn tên tuổi từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn…, có những nhà kinh doanh thành đạt…, chung quanh cuộc đời Nguyễn Quang Lập. Nhưng sao nhớ và thương đến thế con người, cảnh vật nơi cái thị trấn Ba Đồn bé nhỏ, cái Làng Đông – gia đình anh sơ tán. Đó là những thằng Hoàn, thằng Á, Chị Du, thằng Thanh, anh Cu Cá, Cu Luật, Cu Đô, và nhất là nhớ con Hà – thiên sứ của đời anh, đã làm ta bật khóc.
Nguyễn Quang Lập đã phổ vào những trang văn Ký ức vụn tấm lòng yêu quê, say quê tha thiết ! Tôi chưa nghe ai nói con gái Ba Đồn, làng Đông quê anh đẹp mê hồn nổi tiếng. Có chăng chỉ nghe truyền tụng trong dân gian mấy tỉnh miền trung rằng “nón Ba Đồn …l. Đức Thọ( Hà Tĩnh)”.
Trong văn Nguyễn Quang Lập, con gái quê anh ai cũng đẹp. Con Sử “trắng bóc, tóc mượt”, “cười có lúm đồng tiền chấm phẩy”. Con Hà thì “dong dỏng cao, trắng trẻo, tóc dài, giống Thu Hà báo tuổi trẻ”. Chị Du thì “trắng trẻo, múp máp”. Cô Th. thì “xinh, giọng đẹp, văn công lấy vào làm giới thiệu”. Cùng với những người con gái đẹp là vẻ đẹp của thiên nhiên  quê anh,  những rặng Trâm Bầu, những rặng cây dẻ trắng che cho đình làng quanh năm mát rượi… Nguyễn Quang Lập đã làm ta bất ngờ trước vẻ đẹp của con người và quê hương của một vùng gió Lào cát trắng, thiên nhiên khắc nghiệt, chiến tranh từng hủy diệt một thời !
4. Không thể không nói đến tài dựng chân dung của Nguyễn Quang Lập.
Mấy chục đứa, “không đứa mô giống đứa mô”. Từ chị Thuận hay ăn ruồi, thằng hai đầu gối, thằng Á, chị Du, thằng Thanh, con Hà ở quê anh… đến đám bạn bè nhà văn, rồi người đẹp chị MYZ, Tuyết Nga, Hồng Ánh… “đứa mô ra đứa nấy”. Các nhân vật như đi đứng, nói năng trước mắt ta. Mỗi người nói với ta một điều về sự sống. Họ vừa đáng trách, vừa đáng quí. Nhưng với mọi cuộc đời, mọi số phận, Nguyễn Quang Lập đều kín đáo gửi gắm một niềm cảm thông nhiều chiều,  chân tình, da diết. Chính điều này đã phủ lên văn Lập một khí hậu ấm áp, tin yêu. Đằng sau câu chữ  nhiều lúc xót xa, đắng đót và có vẻ thẳng tưng, bỗ bã, nhiều khi rất tục kia, văn anh giấu một niềm tin yêu. Như người em gái Tuyết Nga, dẫu trải qua nhiều bất hạnh vẫn nuôi nấng niềm vui với mọi người, giữ lấy  “tiếng cười trong vắt, bền bỉ suốt cả cuộc đời”!. Đây chính là sở bản lĩnh của nghệ thuật Nguyễn Quang Lập vậy.
  Có tình lớn mới đảm bảo được văn hay. Có chân tâm với người, với đời, cách nào rồi thiên hạ cũng biết. Lo chi Lập hè! He he he… Ký ức vụn của Lập được bảo hành bởi khối tình lớn đại thể như tôi đã nói trên đây. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một cách nhìn. Văn học cần nhiều cách nhìn. Thế thì, Ký ức vụn đang chờ bạn đọc. Thế thì  hãy đến với “Ký ức vụn” theo cách của “anh Cu Luật”…là hay nhất. Hehehe. . .
5. Chuyện nói tục trong văn chẳng có gì là mới mẻ. Tuy nhiên lại cần phân biệt cảm giác với cảm xúc trong văn. Nói tục để chỉ dừng lại tạo cảm giác, gây ấn tượng, đó là cái tục vô giá trị, kém văn hoá. Nói tục để hướng tới tạo được cảm xúc thẩm mỹ, gợi cho người đọc suy nghĩ, triết lý sâu sắc về cuộc đời… đó là cái tục có ý nghĩa , có giá trị nghệ thuật cao. Nguyễn Quang Lâp nói tục để tạo cho ta những phản ứng thẩm mỹ bất ngờ, gợi cho ta suy ngẫm nỗi đời, gợi niềm khát khao cái đẹp đích thực, làm cho ta tê tái – thương yêu.
    Ông Đoàn Tử Huyến – người xuất bản sách Nguyễn Quang Lập, vì quá trân trọng Lập (?) mà làm gần trăm cuốn bìa đẹp, mạ vàng tên Lập (mạ vàng chữ Lập) để Lập ký tặng bạn bè. Nhận sách xong, Lập tỏ vẻ cảm ơn ông Huyến và hoạ sĩ Văn Sáng đã vẽ bìa rất đẹp. Nhưng trong cuộc bia ngay sau đó, Lập nói với tôi: “tao chỉ cần mạ một lớp lông l…”. Lập nói quá đúng. Vì đằng sau lớp “xanh um”kia, là rất nhiều thứ, nhưng trước hết có nguồn gốc ra đời sự sống. Mà Lập thì chỉ muốn bắt đầu từ sự sống. Sự sống như anh Cu Đô – suốt đêm chỉ mặc chiếc áo bộ đội dài quá đầu gối, không mặc quần để “tiện” giúp phụ nữ trẻ góa chồng trong chiến tranh, hơn là nói chuyện chính sách phụ nữ. Sự sống như anh Cu Khả, Cu Luật, Cu Cá… từ quê anh, như bà Thiêm bán nước chè chén trước cổng Viện Văn học – ai lên chức, xuống chức thế nào, nói rành rành như  “ma xó”. Sự sống như  tờ năm hào “con Hà” nhét vào trong vở Lập… đến  mười năm sau anh mới biết -  tâm hồn lên cơn sốt, lệ ứa rưng rưng …
  Sự sống cũng như chuyện thằng Á, chuyên đi sờ con gái dân quân lúc nằm ngủ, sờ vào chúng nằm im, thực ra chúng giả vờ ngủ… Mà thằng Á cũng biết chúng giả vờ ngủ…, phải không Lập?
       Hehehe...
 
BẠN VĂN KIỂU NGUYỄN QUANG LẬP
LÊ THIẾU NHƠN
 Lặn lội với nghề cầm bút bao nhiêu năm thăng trầm đủ mùi vị cuộc sống, Nguyễn Quang Lập phát hiện bản thân có “cái mạng nổi tiếng, động cái gì là thiên hạ bàn tán ầm ầm”. Điều ấy không phải không có cơ sở, vì ngay cả khi blog “Quê Choa” xuất hiện, cũng không ai dám nghĩ Nguyễn Quang Lập đã ở tuổi ngoài 50 vẫn có thể trở thành một “hot boy” trên mạng.
Cuộc phô diễn khẩu văn suốt hơn một năm qua các entry thu hút hàng trăm khách comment, đã được Nguyễn Quang Lập tuyển chọn thành cuốn tạp văn “Ký ức vụn” dày 300 trang, do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành.
“Ký ức vụn” in 2 ngàn bản, giá bán loại thường là 45 ngàn đồng. Nguyễn Quang Lập đâu có màng chuyện nhuận bút, anh chỉ lấy 100 cuốn loại đặc biệt, giá bìa 190 ngàn để tặng bạn bè. Đơn vị đứng ra bỏ tiền in và phát hành “Ký ức vụn” là Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây vẫn cảm thấy sức lan tỏa từ cái blog Quê Choa chưa phải hoàn mỹ lắm, nên tiếp tục in poster quảng cáo và còn “khiêng” Nguyễn Quang Lập đi giao lưu, ký tên tưng bừng. Chắc chắn “Ký ức vụn” bán chạy, vì sách lậu cũng đã xuất hiện tràn lan!
Thỉnh thoảng vẫn có người dùng khẩu văn vào các bài viết nho nhỏ, nhưng không ai dùng khẩu văn một cách dày đặc như Nguyễn Quang Lập. Nhất là tiếng địa phương vùng Bình Trị Thiên được anh sử dụng rất đắc địa. Đi kèm với chi tiết phúng dụ, bao giờ Nguyễn Quang Lập cũng kéo thêm câu cửa miệng “ua chầu chầu”.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập là một người hoạt ngôn. Ngồi giữa đám đông thì giọng anh thường vượt trội bởi những lời trêu chọc hoặc cợt đùa. Hình như Nguyễn Quang Lập nói về điều gì thì mới dõng tai qua cũng thấy cực kỳ thú vị. Ngay cả thời Nguyễn Quang Lập có chút chức sắc trên quê nhà yêu dấu của mình, anh cũng chinh phục người khác bằng tài diễn thuyết phi thường. Ấy là dạo Nguyễn Quang Lập làm Phó Chủ tịch Hội văn nghệ Bình Trị Thiên được mới 3 tháng thì…tách tỉnh, anh về phụ trách tạp chí Cửa Việt và trúng cử Hội đồng nhân dân thị xã Đông Hà. Nhiều người còn truyền tụng giai thoại lâm ly rằng: Trước một phiên họp trang nghiêm, “ông hội đồng” Nguyễn Quang Lập đã nói sôi sục hơn 30 phút về giá trị máu xương đã đổ ở thành cổ Quảng Trị, khiến ai cũng rưng rưng xúc động. Khi Nguyễn Quang Lập bước xuống diễn đàn, có đại biểu nữ không kìm được sự run rẩy, bèn ôm lấy Nguyễn Quang Lập mà khóc nức nở: “Bọ làm em tự hào quá, bọ ơi. Xứ sở mình có bọ là nhất. Nhất! Nhất! Nhất!”. Kèm với mỗi chữ “nhất” nấc lên là vòng ôm xiết chặt hơn. Nguyễn Quang Lập đâu nỡ cắt đứt cảm xúc của phái đẹp, nên cứ giữ nguyên thực trạng ấy bằng thái độ hoan hỉ “Hay hè, hay hè!”.
Thời sinh viên Đại học Bách Khoa – Hà Nội, Nguyễn Quang Lập từng đánh đổ bao nữ sinh viên mộng mơ qua những câu thơ mơ mộng, như “Em đi qua trảng cỏ. Sương tan thành bình minh. Đi qua cánh đồng xanh. Thành líu lo chim hót. Đi qua dòng suốt ngọt. Suối ngọt hóa lời ca. Đi qua trái tim ta. Thành tình yêu nồng cháy!”. Tất nhiên, đấy là thơ tình của thời giăng gió xa xôi, chứ Nguyễn Quang Lập vẫn kiên trì đeo bám những vần điệu du dương ấy, thì năng lực thơ tình của anh phát tiết toàn phần cũng sẽ bằng thơ tình của… Trần Đăng Khoa! Chuyển sang văn xuôi, truyện ngắn đầu tay “Người lính hay nói trạng” lập tức thành danh Nguyễn Quang Lập với chất hài hước chua cay. Không chỉ hai tập truyện ngắn “Một giờ trước lúc rạng đông” và “Tiếng gọi phía mặt trời mọc”, mà các vở kịch của Nguyễn Quang Lập như “Sự tích nước mắt” và “Mùa hạ cay đắng” cũng được hoan nghênh nhiệt liệt. Chỉ khi tiểu thuyết “Những mảnh đời đen trắng” xuất bản năm 1989 hứng chịu bao nhiêu búa rìu dư luận thì anh mới phát hiện chữ nghĩa nghiệt ngã thật. Không sao, chân tài không hé chỗ này thì sẽ lộ chỗ khác. Nguyễn Quang Lập viết kịch bản phim, hết “Đời cát” lại đến “Thung lũng hoang vắng” rồi “Trái tim bé bỏng”, dù chẳng thể giúp các rạp chiếu phim tăng lượng khán giả, nhưng cũng giúp các trang báo điểm tin nghệ thuật thứ bảy cứ dào dạt những dự cảm thơm phức nước hoa.
Đấy, tài hoa lấp lánh và đa dạng của Nguyễn Quang Lập dẫu ghét dẫu yêu cũng không thể nào phủ nhận được. Cuốn tạp văn “Ký ức vụn” đánh dấu sự trở lại văn đàn của Nguyễn Quang Lập sau 20 năm, gây xôn xao dư luận cũng đâu phải chuyện tình cờ may mắn. Trong 5 phần của “Ký ức vụn”, đáng kế nhất là phần “Bạn văn”. Khi Nguyễn Quang Lập viết mẩu “Bạn văn” đầu tiên về nhà thơ Bùi Minh Quốc đã khiến bạn đọc thích thú, vì đó là một lối viết chân dung nhân vật khác hẳn những bài báo kể lể thành tích phổ biến hiện nay. Thế nhưng, “Bạn văn 2” viết về Tô Nhuận Vỹ và “Bạn văn 3” viết về Xuân Đức thì sinh sự. Có cả nỗi giận dữ và mối đe dọa kiện tụng xuất hiện. Nguyễn Quang Lập buộc lòng phải xóa hai entry ấy trên blog, và dĩ nhiên anh cũng không đưa vào “Ký ức vụn”.
Sở dĩ nhắc lại hai mẩu “Bạn văn” lao đao kia là để chứng minh khả năng thiết kế hình tượng của Nguyễn Quang Lập không nằm ở những chi tiết có thật 100%. Nguyễn Quang Lập có nhạy cảm đặc biệt trong cấu trúc tình huống và dàn dựng chi tiết. Hãy mường tượng thế này, những gì viết ngay hàng thẳng lối trên trang giấy chỉ là Nguyễn Quang Lập – nhà báo, còn những gì viết bề bộn ra ngoài lề mới đích thực là Nguyễn Quang Lập – nhà văn. Ví dụ, hai mẩu “Bạn văn” viết về diễn viên Hồng Ánh và nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn đều nằm ở dạng thường thường bậc trung. Có lẽ nể nang đôi vợ chồng trẻ ấy mua vé máy bay mời mình vào tận Phan Thiết dự đám cưới, nên Nguyễn Quang Lập viết để trả ơn. Chưa hẳn hai nhân vật Hồng Ánh – Nguyễn Thanh Sơn nhạt nhẽo, nhưng hình như Nguyễn Quang Lập chưa tìm thấy ở họ một tình huống có thể cấu trúc lại, hoặc một chi tiết có thể dàn dựng lại, nên bài viết của anh đành giống như tâm tình ngọt lạt nhân gian. Với hai mẩu “Bạn văn” Hồng Ánh và Nguyễn Thanh Sơn thì bút lực Nguyễn Quang Lập đã quyết tâm chuyển từ loại tạp – văn – rất- hay tiến thẳng lên loại bài – báo – rất – xoàng, mà bỏ qua loại tản- mạn – hơi – khá!
Cái đắm đuối khi đọc “Bạn văn” của Nguyễn Quang Lập là được thấy vài điều có thật chấp chới ra ngoài những điều không có thật. Sự khéo léo tung đòn giữa “vũ thuật” và “võ thật” chính là giá trị mới mẻ mà Nguyễn Quang Lập mang đến cho dạng chân dung nhân vật, còn thứ khẩu văn mà anh chăm chú bổ sung chỉ có ý nghĩa gia vị nêm nếm. Những bài “Bạn văn” viết về Trần Dần, Phùng Quán hay Xuân Sách, trong giới cầm bút đương thời có không dưới 100 người viết được như Nguyễn Quang Lập. Những bài “Bạn văn viết về Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Trọng Tạo hay Phạm Ngọc Tiến, trong giới cầm bút đương thời có ít nhất 10 người viết được như Nguyễn Quang Lập. Còn những bài “Bạn văn” mang tính trữ tình ngoại đề như “Cái miệng hình số tám”, “Người đẹp” hay “Ông Đề cương” thì rất có thể trong giới cầm bút đương đời không mấy người so được với Nguyễn Quang Lập! Nếu anh đầu tư miệt mài cho những trang viết độc đáo này thì đó là “Bạn văn” kiểu Nguyễn Quang Lập, và e rằng anh có một cái chiếu riêng trong làng văn Việt Nam ở thế kỷ 21!
 
Kí ức chợt bay về
Lê Mai 
Ấy là khi con tim của anh rung lên, khối óc của anh suy nghĩ về quá khứ, hiện tại, tương lai và ngòi bút của anh bắt đầu động đậy. Anh viết, hào hứng và say mê. Ký ức vụn – trước hết được ra đời trên QuêChoa’s blog. Hai mươi năm mới quay trở lại văn đàn – nói như thế hẳn không chính xác, song, chúng ta muốn nói đến cái nghiệp văn của anh, kể từ Những mảnh đời đen trắng nổi tiếng, nhiều dư luận rất sôi nổi. Song phải công nhận, Những mảnh đời đen trắng là một cách nhìn mới độc đáo về chiến tranh, những năm tám mươi của thế kỷ trước, không phải tác giả nào cũng thành công – như anh.
Nói đến ký ức là nói đến thì quá khứ. Nhưng anh không chia động từ thì quá khứ trong tiếng Việt Nam và trong Ký ức vụn, vì cái dòng chảy của suy nghĩ dù là quá khứ, hiện tại hay tương lai anh đều thương nhớ. Anh làm chủ câu chuyện. Anh làm chủ cảm xúc. Anh làm chủ ngôn ngữ của mình – một cách sử dụng ngôn ngữ – phương ngữ hết sức độc đáo, hay, ấn tượng.
Tôi mở đầu cảm tưởng đọc Ký ức vụn bằng một cú đá của nhà văn- cú đá làm đại ca giang hồ ở Mông Dương lộn mấy vòng, bái phục. Chắc hẳn cú đá ấy không thể bằng “cú đá của người da trắng” – một bộ phim nổi tiếng, nó cũng phải được thực hiện bởi sự xuất thần, bởi sự khát khao chiến thắng và lòng dũng cảm. Ăn may chăng? Thưa rằng, đúng vậy – như tác giả kể rõ. Anh lên làm đại ca, nhận những lời chúc tụng, nịnh bợ, xun xoe. Song lo lắm. Không có tài năng thật sự về môn võ, khi ra trận, làm sao thắng cho nổi? Kết luận là không biết bao nhiều “đại ca” ăn trên ngồi trốc, chẳng có tài năng gì, họ có lo không? Câu chuyện nhỏ mà triết lý lắm chứ nhỉ!
Tôi vừa luận về môn võ. Bây giờ luận về môn văn. Không như môn võ, tài năng văn chương của anh thì không hề có một sự ăn may nào cả. Người làm văn chương là phải có tài năng. Tài năng của Nguyễn Quang Lập thì ai ai cũng đã công nhận. Tôi không nói đâu xa xôi, chúng ta cứ đọc tiếp Ký ức vụn thì rõ.
Ký ức chính là kỷ niệm. Có những kỷ niệm với người đời mà tác giả chưa bao giờ gặp mặt, kể cũng khá lạ lùng. Đó là những kỷ niệm với Võ Đại tướng – người đồng hương thiên tài của anh.
Cùng viết về Đại tướng, tôi muốn nêu cảm nhận về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Người thường gặp của Trần Đăng Khoa và Kỷ niệm nhỏ về Võ Đại tướng của Nguyễn Quang Lập trong Ký ức vụn.
Có thể dễ dàng nhận thấy, cái nhìn của Trần Đăng Khoa là một cái nhìn gần, trực tiếp về Võ Đại tướng. Trần Đăng Khoa có thể ngồi bên cạnh Đại tướng, nghe Đại tướng nói chuyện, trao đổi với Đại tướng, quan sát thần thái của Đại tướng, thấy niềm vui hay nỗi buồn xa xăm trong ánh mắt của Đại tướng…Và quả thật, bài viết Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Trần Đăng Khoa rất hay, rất xúc động. Ôi chà, cái ông Trần Đăng Khoa tài thật, cỡ phải “Uỷ viên Trung ương, hihi” – chữ dùng của Nguyễn Quang Lập.
Thế Kỷ niệm nhỏ về Võ Đại tướng của Nguyễn Quang Lập thì sao? Trái với Trần Đăng Khoa, cái nhìn của Nguyễn Quang Lập lại là một cái nhìn gián tiếp, qua những câu chuyện về Đại tướng đã trở thành huyền thoại, đã trở thành chuyện cổ tích, được thể hiện rất tài tình, hấp dẫn. Nhà văn Nguyễn Quang Lập không ngồi bên cạnh Đại tướng, không nghe Đại tướng nói chuyện hoặc có thể trao đổi với Đại tướng; không thể quan sát thần thái của Đại tướng cũng như không thấy niềm vui hay nỗi buồn trong ánh mắt xa xăm của Đại tướng…Ây thế mà tác giả làm chúng ta thấy hiện lên tất cả về Đại tướng với một tấm lòng ngưỡng mộ và sự kính trọng vô biên. Chi tiết báo cáo với Đại tướng trong vở kịch về Điện Biên là cực hay, bất ngờ đến trào nước mắt. Đấy là cái tài, cái tình của nhà văn vậy.
Hai bài viết trên về Võ Đại tướng đều hay, đều xúc động. Tôi nghĩ, bài của Trần Đăng Khoa hay nhưng không lạ; bài của Nguyễn Quang Lập vừa lạ, vừa hay!
Ký ức vụn được tác giả xếp theo một số chủ đề, thực ra nó xuyên suốt tất cả. Những người bạn khó quên, Người từng gặp, Bạn văn, Buồn vui một thủa, Thương nhớ mười ba…thú vị lắm.
Bạn văn của tác giả đọc rất hay. Tác giả không vẽ chân dung các bạn văn theo phương thức truyền thống, mà dựng các chân dung các bạn văn theo kiểu khác. Quan sát từ góc độ đời thường, trân trọng, chiêm nghiệm, vui buồn, mong chờ, hy vọng…bàng bạc trong các Bạn văn. Đời thường của các bạn văn hiện lên rất đáng yêu – ngay cả trong cái tưởng như “không thể đáng yêu”. Hãy đọc các bài về Hải Bằng, Phạm Ngọc Tiến, Trung Trung Đỉnh, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trịnh Công Sơn…Có một điều khá độc đáo là nhân vật phụ trong các Bạn văn cũng thường rất nổi bật. Tiếc thay, Bạn văn 4, Bạn văn 8 không thể xuất hiện trong Ký ức vụn.
Còn Người từng gặp là một đề tài khá rộng, rộng hơn nhiều so với Người thường gặp (Trần Đăng Khoa), càng rộng hơn nhiều so với Bạn văn. Nói cách khác, ngoại diên của khái niệm Người từng gặp rộng hơn ngoại diên của khái niệm Người thường gặp và càng rộng hơn ngoại diên của khái niệmBạn văn. Với cách chọn đề tài như thế, chúng ta đã thấy được sự lao động nghiêm túc, công phu, miệt mài của tác giả trên cánh đồng văn chương.
Quên làm sao được những Thằng hai đầu gối (không phải nó hay nịnh nên đi bằng hai đầu gối đâu!), Thằng sứt môi, Ký ức năm hào…Một vài câu chuyện về những người bạn khó quên ấy cũng đã chấm phá thành công nhiều nét của làng quê Việt Nam ngày ấy. Còn Người từng gặp trong cuộc đời này thì nhiều lắm, nhưng không phải ai cũng là Bạn văn. Anh cu Cá, anh cu Luật, anh cu Đô…Họ đã in dấu ấn trong ký ức của tác giả. Câu chuyện về họ thật tự nhiên, đọc xong cứ tưởng “không có gì”, cười thoải mái, song ngồi ngẫm nghĩ kỹ, mới thấy sâu sắc. Ôi anh cu Đô! Anh thật lạ lùng. Anh sát cá. Anh sát “cả một nửa thế giới” nữa kia. Anh nghe các chị phát biểu lý tưởng, hoài bão, tiên tiến, quyết tâm… thì anh “cười hậc, e hé một tiếng rõ to rồi phủi đít quần ra về”. Vì sao vậy? Các chị đạo đức giả chăng? Thật tội nghiệp cho họ! Chiến tranh mà. Chiến tranh thì chiến tranh, con người vẫn cứ phải sống, căm thù và yêu đương nữa. Nhưng cuộc chiến tranh nào cũng vậy, bên nào thắng thì nhân dân vẫn là người thất bại nặng nề – nhất là phụ nữ.
Văn là ý ở ngoài lời. Đó không phải là một cái nhìn tinh tế về chiến tranh của tác giả khi kể chuyện về một Người từng gặp ư ?
Ta thường nói đến sự hài hước, đến khẩu văn trong Ký ức vụn. Một sáng tạo. Một bước đột phá. Một cây cầu đến với bạn đọc nhanh nhất. Đúng cả. Nhiều bài trong Ký ức vụn, khi đọc xong ta đều thấy rất sảng khoái. Niệu liệu pháp là một thí dụ vô song về sự hài hước, về sự trào phúng tuyệt đỉnh; dỉ dỏm, cười ra nước mắt – nước mắt của vui cười!
Ngòi bút của tác giả rất sinh động. Văn của Nguyễn Quang Lập đầy hình ảnh, ngắn gọn, sâu sắc, hài hước, không thừa, không thiếu một chữ. Tôi nghĩ rằng, thật khó cho các biên tập viên khi định biên tập câu văn của anh. Dĩ nhiên, chúng ta thấy văn anh có màu sắc của kịch bản điện ảnh – chuyện dễ hiểu.
Trong Ký ức vụn, anh ít khi tả cảnh mà chủ yếu, anh nói cái tình thay cho cảnh. Nhưng khi tả cảnh, ngòi bút ấy trở nên mềm mại, đáng yêu, đằm thắm, mượt mà, bay bổng biết bao! Hãy đọc Những giao thừa thương nhớ, Thương nhớ vỉa hè, Tết miền thơ ấu…thì rõ. Với những trang viết đầy xúc cảm đó, xin nói rằng, những ai cứ nghĩ văn Nguyễn Quang Lập đọc cho vui, cười đã đời, mà không nhìn thấy gì nữa, thì họ đã nhầm to và thực sự họ đã không thể hiểu hết ý nghĩa nhân văn trong các câu chuyện tưởng bình thường đó.
Khi Ký ức chợt bay về, ai cũng thường day dứt về nó. Nhưng, viết về nó, viết hay về nó là điều không hề đơn giản và chỉ có tài năng mới làm được.
Đến đây, có bạn hỏi, thế tư tưởng chủ đạo của Ký ức vụn là gì? Thưa rằng, đó là tấm lòng của nhà văn, một tấm lòng với cuộc đời, với Những người bạn khó quên, Người từng gặp, với Bạn văn, với Buồn vui một thủa, với thiên nhiên, cây cỏ, hoa lá …Đó là điều tôi muốn nói khi kết thúc vài cảm nhận này. Chúng ta chân thành chúc anh Nguyễn Quang Lập tiến xa hơn nữa trong văn chương, trong cuộc sống, trên con đường vạn dặm.

* Người thường gặp của Trần Đăng Khoa.
NXB Thanh niên, 2001.
 
Nhà văn Nguyễn Quang Lập viết blog
(TT&VH Online) - Hắn có một blog trên trang Yahoo lập từ đầu năm 2007. Nhưng đã khá lâu hắn bỏ hoang blog đó vì hình như chưa rành lắm cái thú vui chơi trên mạng này của lứa teenage nên chưa ham. Bỗng một ngày mới đây, hắn như bừng ngộ.

Hắn tự hỏi: “Vì sao blog?”. Và hắn tâm sự: “Thực sự hiện nay mình không có thời gian để đu đưa với đời, nhưng hồi này sao hay nhớ về quá vãng quá. Đã bỏ blog gần một năm bỗng nhiên quay lại, quyết tâm một ngày có một bài, một mảnh ký ức. Sau này khi không viết được nữa thì có bạn bè, con cái, học trò sẽ tập hợp lại, in thành một tập gọi là hồi ký vậy. Mình nhớ đâu viết đó, không cần làm văn, thậm chí ngữ pháp cũng không thèm chấp. Viết bất kỳ chuyện gì chợt nhớ, chợt thấy, chợt ngẫm ra, bất chấp sâu hay nông, thô hay tinh, tục hay thanh. Đọc một vài blog của một vài người nổi tiếng, thấy nói phét nhiều hơn nói thật, loanh quanh để đánh bóng mình, ghét. Mình nghĩ blog là cái để chống stress, tâm sự với đời để giải tỏa ẩn ức, thế thôi. Vậy việc gì phải nói phét?”. Sau lời tâm sự ẩn chứa một “tuyên ngôn” như thế, hắn bắt đầu tuôn ào ạt một ngày một entry về đủ chuyện hắn đã trải đã biết, về đủ người hắn đã gặp đã quen, trong cuộc đời mới hơn nửa thế kỷ một chút của hắn. Lập tức blog Nguyễn Quang Lập tăng vọt số lượng người truy cập, đông nhất là lớp trẻ.

Phải nói hắn viết có giọng, cái giọng văn trời phú như chỉ cho riêng hắn, hắn lại biết cách kể chuyện, nên đọc từng entry hắn viết theo mạch “hồi ký” này thấy ra nhiều chuyện đời, nhiều mặt người. Trong số các entry hắn viết vừa qua, xôm trò nhất là mấy cái hắn đề “Bạn văn” và đánh số thứ tự theo ngày tháng viết. Những văn nhân thi sĩ hắn viết là đã có cái cho hắn nhớ như những đường nét, dấu vết, đặc điểm trên bức chân dung hắn vẽ ra, dù họ là những người hắn thân thiết gần gũi hiểu sâu hay là những người hắn chỉ mới gặp gỡ, trò chuyện đôi ba lần, khi gần khi xa. Hắn khắc họa tính cách họ cực hay, cực giỏi, chỉ vài ba nét chấm phá, vài ba câu cửa miệng, vài ba chi tiết, thế là hắn đã đóng đinh được đương sự vào cuộc chơi của hắn. Tiên sư thằng Lập, chúa thật! – đã có người không kìm được cơn khoái khi đọc hắn mà thốt lên vậy.

Nhưng bạn văn cũng là người, cũng có người thế này thế khác, cũng có người không coi blog là chiếu rượu như hắn, không đọc các entry của hắn như đọc chơi một đoạn văn, như xem một chân dung nghệ thuật. Thế là hắn suýt phải ra tòa do một bạn văn kiện tụng vì entry “Bạn văn 3”. Câu chuyện tưởng căng thẳng rồi đã được giải tỏa giữa hai bên. Nhưng mà cú đó khiến hắn chờn, hắn nghĩ đi nghĩ lại đôi hồi, hắn gỡ bỏ cái entry phát hỏa ấy xuống, hắn ngẫm ra thế giới blog cũng không đơn giản, dễ chịu, hắn đâm ra chừng mực hơn. Cộng đồng blog thấy thế đâm buồn, và đâm lo.

Từ chuyện chẳng phải rủi ro này của hắn, tôi nghĩ đến cái thể loại chân dung văn học của ta lâu nay. Mặc nhiên mọi người cứ nghĩ vẽ chân dung là phải đẹp, phải trịnh trọng, đàng hoàng, mà cốt yếu của chân dung là phải thật, phải chân thật thì lại bị lờ đi. Lập đã chẳng nói rõ điều này trong cái entry tôi dẫn ở đầu bài còn gì! Hắn còn một lần nhắc đến khi nói về nhà thơ Xuân Sách, tác giả của tập thơ Chân dung nhà văn nổi tiếng một dạo. Khi Xuân Sách qua đời ngay ở Hà Nội mà đám ma như không có nhà văn nào đến dự, hắn buồn, hắn viết entry:“Sao không nhà văn nào đến nhỉ? Anh Sách sống đôn hậu, thủy chung, người ta chỉ làm phiền anh thôi chứ anh có làm phiền ai bao giờ. Hay là tại anh viết hồi ký, viết thơ chân dung đúng quá, hay quá, đau quá mà người ta ghét? Mình nghĩ phàm là nhà văn, được Xuân sách bôi xấu là vinh dự, sao lại ghét anh”.

Thế giới mạng đang mở ra những vùng trời mới cho các nhà văn, mời gọi và thách thức họ sáng tạo văn chương trên hành tinh số. Nguyễn Quang Lập cũng như một số nhà văn khác lập website, blog, là đã dấn thân, nhập cuộc. Với Lập, tôi tin hắn ở cuộc chơi mạng này sẽ lại thành công. Mà không phải “sẽ”, hắn đang thành công, với những entry viết sinh động và sâu sắc về chuyện văn, chuyện đời. Hắn còn nhiều việc phải lo toan, nào công ty sản xuất kịch bản Scrypts, nào cuốn tiểu thuyết Tình cát dở dang bao nhiêu năm, nào những sáng tác cho sân khấu. Với blog, tôi tin hắn sẽ không bỏ cuộc, sẽ vẫn viết như một cách sáng tác mới, dù vừa rồi hắn tuyên bố chuyển mức viết một entry từ hàng ngày sang hàng tuần. Mà hắn gõ máy tính là chỉ bằng cái bàn tay còn lành sau vụ tai nạn năm nào. Bức ảnh chụp đây là hắn đang ngồi ở máy tính nhà tôi trong đêm chờ xem chung kết EURO 2008 viết entry Nhớ Tân Huyền.

Hãy đợi đấy, những hồi ức Nguyễn Quang Lập từ blog sang giấy!

Phạm Xuân Nguyên


 
Nguyễn Quang Lập nói tục rất… có duyên
Cuốn tạp văn Ký ức vụn với những ghi chép về “những người bạn khó quên, người từng gặp, bạn văn, những buồn vui một thuở”… đánh dấu sự trở lại của Nguyễn Quang Lập sau 20 năm xa văn đàn.

Mỗi câu chuyện chỉ vài trang giấy, nhưng cũng tạo ra những suy nghĩ cắc cớ trong lòng người đọc. Ký ức vụn là văn chương  từ trên mạng bước xuống, ngồi ngay ngắn vào những trang sách đóng dòng, đóng quyển. Nguyễn Quang Lập cho rằng, thế giới ảo chỉ là nơi để nhà văn thử thách những trang viết của mình. Vì thế ngay từ đầu, ông xác định những trang viết tung lên blog chỉ là bản thảo đầu tiên của cuốn sách.
Đọc Ký ức vụn, nhiều người cười nghiêng ngả vì cái tục, cái thanh được hòa vào làm một. Văn Ký ức vụn rất tục, giống giọng người ta thường nói khi cùng ngồi chén chú chén anh. Những câu chửi cửa miệng như “mịa”, “bố mày”, “cụ chúng mày”, hoặc phương ngữ như “ẻ vô”…, được sử dụng hợp ngữ cảnh tới nỗi chỉ khiến người đọc chỉ biết cười, không thấy gợn gặn. Có lẽ vì thế TS Đỗ Ngọc Thống thấy cái tục trong văn Nguyễn Quang Lập là một biện pháp tu từ. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thấy “Lập nói tục rất có duyên”.
 

Trong Ký ức vụn không có tính chính kịch của Tiếng lục lạc thuở cách đây hơn 20 năm, thứ văn chương mà PGS.TS Trần Ngọc Vương gọi là “văn chương vô trùng”. Nhưng những điều thu lượm được từ Ký ức vụn không đơn giản chỉ là tiếng cười buông lơi. Ngược lại, cuộc sống hiện lên hơn cả những xúc cảm thông thường – buồn vui, chua xót hay tiếc nuối. Từ bà bán nước trước cổng viện Văn học, anh cu Cá chuyên nghề liệm xác hay những nghệ sĩ có tiếng như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khải… cuối cùng đều rất người. Họ hiện lên trong văn của Nguyễn Quang Lập đầy công bằng, với những thói hư, tật xấu và sự đáng yêu không phân biệt chỗ đứng trong cuộc đời.
Có rất nhiều từ thuộc vùng “cấm kỵ” được sử dụng trong Ký ức vụn mà theo Nguyễn Quang Lập, nếu bỏ đi thì nhất định không phải văn của “bọ Lập” nữa. Còn dưới con mắt PGS.TS Trần Ngọc Vương, đến lúc nhà văn miền Trung có thể nói năng phóng túng là điều đáng mừng. Theo vị PGS này, ảnh hưởng từ những anh hùng cái thế ra đi từ mảnh đất khô cằn sỏi đá đôi khi lấn át tính hài hước, dí dỏm của những người cầm bút nơi đây, khiến cảm xúc văn chương của người miền Trung rất mạnh mẽ, hướng thượng. “Nhưng sống bằng cảm xúc hướng thượng rất mệt mỏi, đến lúc nào đó chúng ta phải đi bằng hai chân trên mặt đất với tất cả sắc thái đa chiều cuộc sống”, ông Trần Ngọc Vương nói. Và với ông, Nguyễn Quang Lập là nhà văn miền Trung đầu tiên viết về cuộc sống bằng xúc cảm đa chiều ấy, cho dù con mắt nhìn ấy, cái giọng văn ấy từng khiến nhà văn này có lúc bị “tai bay vạ gió”.
Kim Sen

Sóng biển at 07/22/2012 04:15 pm comment
Trên quecho.vn, có một bài về khẩu văn của NQL hay lắm đó em
Sóng biển at 07/24/2012 09:43 am reply
em vào được trang : quechoa.vn không ? nếu vào được thì mới tìm ra. Thử theo đường link này nhé : http://quechoa.vn/2012/07/21/ngon-tu-qua-khau-van-nguyen-quang-lap/
Người yêu Hoa at 07/23/2012 10:56 am reply
Em tim mãi kho ra, anh cop cho em đi !
Sóng biển at 06/25/2012 10:41 pm comment
Chà, nghiền NQL đến thế hở em???
Sóng biển at 06/26/2012 10:20 am reply
Độ này Bọ hay chính chị chính em lắm đó... Nguyễn Quang Vinh (em ruột )viết cũng hay, nhưng rồi im re, he he he
Người yêu Hoa at 06/26/2012 10:09 am reply
Dạ ghiền từ 2006 anh à, em thích mọi tác phẩm của Bọ, trừ chuyện chính trị thì em ko thích thôi anh à.
Người yêu Hoa at 06/25/2012 09:08 am comment
Cảm ơn Mộc, lâu quá mới thấy bạn ghé thăm ! Vui nhiều bạn nhé !
BÌNH ĐỊA MỘC at 06/23/2012 05:47 pm comment
mộc ghé thăm bạn, chúc bạn cuối tuần vui vẻ và hạnh phúc!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét