Lẻ Một
Ngàn cổ tích say sưa nghe tôi kể
Đến chuyện cuối cùng em bỗng ngoắt ngang
Đành lặng lẽ như ngàn năm lẻ một
Mặt trời xanh đổ bóng xuống trăng vàng .
Nhẹ nhàng đến ở rồi đi
Khi sinh khóc để nhân cười
Lúc rời cõi tạm không rơi lệ buồn
Mỉm cười trước phút tay buông
Là xin cuối bể đầu nguồn hãy vui
Bao nhiêu cay đắng ngọt bùi
Rồi tan theo nắm đất vùi xác thân
Mãn đời không để dấu chân
Sống phù vân - thác phù vân. Khác gì?
Nhẹ nhàng đến ở rồi đi
Không tranh chấp chẳng so bì với ai
Đẹp gì hơn giọt sương mai
Hà chi cơn gió thở dài gió ơi!
Nguyễn Ngọc Hưng
(Quảng Ngãi)
NHẸ NHƯ… SƯƠNG!
Qua nhiều bạn văn nghệ ở Quảng Ngãi, tôi được biết Nguyễn Ngọc Hưng (N.N.H.) từ lâu bị bệnh nằm một chỗ, mọi sinh hoạt kể cả cá nhân cũng cần người giúp đỡ. Thế nhưng ở bên trong anh còn y nguyên một “Tâm hồn cao thượng”, một “Trái tim tha thiết”, một “Tấm lòng nhân hậu” với mình, với mọi người, với đời, đây chính là động lực tiềm ẩn để sáng tác... Bởi vậy đến nay N.N.H. đã viết và in trên 10 tập thơ; nhiều báo, tạp chí trong nước luôn chọn đăng bài của anh - đây là nghĩa cử yêu mến và để anh có điều kiện sống tốt hơn nhưng trước tiên và là lý do quyết định đăng bài vì thơ anh hay!
Hình như với N.N.H. cuộc đời nầy nhẹ tênh nên trong thơ anh không một chút ưu phiền lẫn vào. (Đây là trường hợp đặc biệt đáng trân trọng, bởi lẽ trong khó khăn thường tình sẽ “chịu không thấu” dẫn đến “bế tắc”...) Bài thơ “Nhẹ nhàng đến ở rồi đi” của N.N.H. là một bài thơ như thế. Với 3 khổ viết theo thể lục bát, bài thơ đề cập đến nhân sinh quan: cuộc đời - con người - lạc quan và an nhiên.
Câu thơ mở đầu “Khi sinh khóc để nhân cười/ Lúc rời cõi tạm không rơi lệ buồn” đi thẳng vào sự “sinh” – “tử” mà mỗi số phận con người nào cũng qua, hai cảm nhận khác nhau khi sinh và lúc tử đều ở ngoài tầm tay, sinh - vui, tử - buồn ở “cõi tạm” nầy. Cái chính ở đây N.N.H. vì mọi người để đến và đi...để rồi “xin” “vui” ở “cuối bể đầu nguồn”: “Mỉm cười trước phút tay buông/ Là xin cuối bể đầu nguồn hãy vui”, ý thức chẳng “khác gì” “phù vân” cho nên sống và thác hề gì – miễn là sống sao cho đáng sống, thác thế nào đáng thác mới là chuyện cuộc đời lắm cay đắng ngọt bùi nầy. Nếu tâm thế không vững, trong khổ thơ nầy người khác trong trường hợp của N.N.H. sẽ bày tỏ nỗi niềm - bi lụy, đàng nầy khác hẳn anh an nhiên – thiền định…
Câu thơ “Mãn đời không để dấu chân”có một sức gợi cảm sâu sắc, “dấu chân” ở đây là hình-ảnh-còn-lại-của-cuộc-đời-một-con-người, ở N.N.H. mang một biểu cảm hết sức chân thật tận lòng, vì bao năm qua anh làm sao đi đâu mà “để dấu chân” ở lại! Đọc câu thơ “tĩnh” mà “xao động” lòng ta quá đỗi!
Kết thúc bài thơ N.N.H viết: “Nhẹ nhàng đến ở rồi đi/ Không tranh chấp chẳng so bì với ai” toát lên bao yêu thương cuộc đời. Muốn được như thế con người phải không chấp, không tham, sân, si... Và hình tượng “giọt sương mai” mà N.N.H. bắt gặp “đẹp gì hơn”: “Đẹp gì hơn giọt sương mai/ Hà chi cơn gió thở dài gió ơi!”. Câu thơ đầy cảm xúc thẩm mỹ!
Đọc xong bài thơ tôi tin (và chắc nhiều người cũng đồng cảm, tin như vậy) N.N.H. đã tìm thấy “nguồn” – “vui” mai sau còn để lại cho đời những “giọt sương mai”, giống như Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bài hát Như một lời chia tay (1981) đã bộc bạch: “Những hẹn hò từ nay khép lại/ Thân nhẹ nhàng như mây.../ Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời/ Như một lời chia tay”. Nhạc sĩ tài danh họ Trịnh “Nhẹ nhàng như mây...” và là “Đóa hoa vàng mỏng manh” để lại..., còn N.N.H. thì “nhẹ nhàng” như “giọt sương mai” để lại...
Có gì nhân văn và đẹp hơn !
HÒA VĂN
(Đài Truyền thanh Điện Trung, Điện Bàn,
Quảng Nam
ĐT: 01202377263)
MẮT NAI
Người đưa đón kẻ gọi mời
Hồng nhan chị cũng một thời long lanh
Mắt huyền mắt tím mắt xanh
Giam cầm bao gã rắp ranh mơ đào…
Giận thương chị vẫn ngọt ngào
Buồn vui chị vẫn thanh tao giọng vàng
Khuôn ngà rất mực đoan trang
Mặc ai đi tắt về ngang lối tình
Khắt khe chị tự răn mình
Không đẹp không ngắm không tinh không dùng
Người không có thủy có chung
Chị thà bóng chiếc phòng không trọn đời
Tuổi xuân con gái quá thời
Đón đưa thưa vắng gọi mời vắng thưa
Một mình đi sướm về trưa
Chiều nghiêng bóng chị cũng vừa xế qua
Dù không bão tố mưa sa
Nhan sắc chị cũng phôi pha một chiều
Vuốt ve từng vạt muối tiêu
Mà thương cái thuở mỹ miều tóc xanh
Tuổi đời như gió heo hanh
Vàng phai nắng rụng cuối cành thu sang
Vấp bao nhiêu nỗi đoạn tràng
Ngước lên chị vẫn dịu dàng mắt nai!
DƯỚI CHÂN NGỌN ĐÈN
Tình em như một ngọn đèn
Soi đường tôi những đêm đen mịt mùng
Trời cao đất rộng vô cùng
Có em tôi đỡ ngại ngùng bước chân
Cho tôi ánh sáng tôi cần
Ngọn đèn chí nghĩa chí nhân chí tình
Trọn đời rạng đức hy sinh
Vì tôi em đã quên mình hư hao…
Nào tôi đâu có dạ nào
Mà em nổi trận hỏa hào ghen tuông
Trong cơn lửa cháy điên cuồng
Em đâu còn hiểu nỗi buồn trong tôi
Yêu mà yêu thế thì thôi
Tôi còn cố đấm ăn xôi nỗi gì
Xa nhau đi, xa nhau đi
Lời ma tiếng quỷ thầm thì trên môi
Thất thần ôm bóng mồ côi
Ngọn đèn em lại ru tôi đến gần
Tôi lại là con thiêu thân
Sẵn sàng chết cháy dưới chân ngọn đèn!
KHÔNG ĐỀ
Viết 1001 bài thơ tình
Nhận diện: Mình chưa có mặt
Quen biết hàng trăm cô gái
Soát mình: Chưa có tình yêu!
Tình yêu cũng giống như thơ
Phiêu phưởng xa gần không bắt được
Chợt sáng ấm trong tay rồi chợt tắt
Như là hư không
Mãi đến ngày tôi gặp em
Bản thảo xưa vất vào sọt rác
Những vần thơ mộc mạc
Mới bắt đầu giai điệu thương yêu
Người không dung mạo mỹ miều
Thơ chẳng ngôn từ trau chuốt
Hồn nhiên như thảo mộc
Bốn mùa xanh
Bốn mùa xanh…
Nguyễn Ngọc Hưng
LÝ LỊCH VĂN HỌC
NGUYỄN NGỌC HƯNG
**********
Sinh ngày: 20.04.1960
Quê quán: Hành Thịnh, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi
Tốt nghiệp ĐHSP Quy Nhơn khóa 2 (1979- 1983)
Bị bạo bệnh từ năm 1983
Hiện đang sống ở Thị trấn Chợ Chùa, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi với bạn bè thời phổ thông trung học
Hội viên Hội VHNT Quảng Ngãi từ năm 1993
ĐÃ IN:
1. Cầm sợi gió trên tay- Thơ thiếu nhi, NXB Đà Nẵng,1993
2. Lời ru trắng- Tập thơ, Sở VHTT & TT Quảng Ngãi,1994
3. Lửa trời nhóm bếp- Thơ thiếu nhi, UB Chăm Sóc & Bảo Vệ Trẻ Em Tỉnh Quảng Ngãi, 1994
4. Còng con tìm mẹ- Thơ thiếu nhi, NXB Kim Đồng, 1995
5. Lá non- Tập thơ, NXB Đà Nẵng, 1997
6. Gọi trăng-Thơ thiếu nhi, NXB Kim Đồng, 2000
7. Lửa xanh thầm- Tập thơ, NXB, 2002 (NXB Văn học tái bản, 2003)
8. Từ khi có phượng- Tập thơ, NXB Hội Nhà Văn, 2005
9. Hương tuổi thơ- Thơ thiếu nhi, NXB Kim Đồng- Báo Nhi Đồng, 2007
10. Những khúc ca trên cỏ- Tập thơ, NXB Hội Nhà Văn, 2008
11. Bốn mùa cho bé yêu- Thơ thiếu nhi, NXB Kim Đồng. 2010
IN CHUNG:
- Thơ miền Trung thế kỷ XX- NXB Đà Nẵng, 1995
- Thầy giáo và nhà trường- NXB Giáo Dục, 1999
- Thơ lục bát- NXB Văn hóa thông tin, 2000
- Tuyển tập thơ Việt Nam1975- 2000, NXB Hội Nhà Văn, 2001
- 99 bài thơ,Hội VHNT Quảng Ngãi,2003
- Văn học thiếu nhi Việt Nam - tập II, NXB Từ Điển Bách Khoa, 2004
- Thơ Việt Nam thế kỷ XX- Thơ trữ tình, NXB Giáo Dục, 2005
- 6 + 8 = 99 ( Thi tuyển 99 bài thơ lục bát hay thế kỷXX ), NXB Văn hóa Thông tin, 2008
- vv…
GIẢI THƯỞNG:
1. Tặng thưởng Văn học cho thiếu nhi- Hội Nhà Văn Việt Nam , 1994
2. Giải thưởng cuộc thi viết về thiếu nhi dân tộc và miền núi- Báo Thiếu Niên Tiền Phong & NXB Kim Đồng 1994-1995
3. Tặng thưởng cuộc thi thơ lục bát- Báo Giáo Dục & Thời Đại 1997- 1998
4. Giải thưởng cuộc thi thơ quốc tế dành cho người tàn tật “Một trái tim- Một thế giới” năm 2000
5. Tặng thưởng tác phẩm tài hoa- Báo Tài Hoa Trẻ năm 2002
6. Giải đặc biệt cuộc thi thơ cho người tàn tật tỉnh Gia Lai năm 2003
7. Tặng thưởng thơ hay trong 100 số Tạp chí Cửa Việt năm 2003
8. Huy chương “Vì sự nghiệp Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam ”, 2004
9. Giải thưởng thơ Tứ Tuyệt Tuổi Ngọc- NXB Văn Nghệ TP. HCM,
2008
10. Giải B – tập thơ “ Những khúc ca trên cỏ” – Ủy Ban Toàn Quốc Liên Hiệp Các Hội VHNT Việt Nam, năm 2009
11. Giải 4 cuộc thi thơ lục bát “Ngàn năm thương nhớ”, 2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét